BĐS Đà Nẵng đề nghị Chính phủ "gỡ khó"
Ngày 6/11, đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch UBND TP đã đề nghị Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS TP.
Ông Tuấn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất thấp để xây dựng nhà ở xã hội theo Luật nhà ở, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận được nguồn vốn vay triển khai dự án để giúp đẩy nhanh tiến độ công trình, giảm được tổng mức đầu tư và giảm giá bán căn hộ. Đồng thời cho mở rộng đối tượng được mua nhà chung cư thu nhập thấp, cho phép nhà đầu tư bán một số chung cư thu nhập thấp trong dự án cho một số đối tượng có nhu cầu thật sự, ngoài những đối tượng do UBND TP phê duyệt để huy động vốn triển khai dự án.
Một góc của dự án khu đô thị Đa Phước (quận Hải Châu) rộng 210ha. Hiện khu đô thị này chưa có dấu hiệu khởi động xây dựng lại. |
Theo UBND TP Đà Nẵng, hiện có 36 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới đã được phê duyệt và đang triển khai trên địa bàn. Tuy nhiên, đa số dự án đang thi công ì ạch vì bán không ai mua nên không huy động nguồn vốn để triển khai tiếp. Theo ông Lê Tùng Lâm - phó giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, nguyên nhân một số dự án triển khai chậm là do nhiều nhà đầu tư trong quá trình lập dự án đã không có đủ tiềm lực tài chính cần thiết.
Ông Vũ Xuân Thiện, phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết qua đợt kiểm tra vừa rồi tại Đà Nẵng cho thấy nguyên nhân bất động sản đóng băng không giao dịch được là do các nhà đầu tư không nghiên cứu kỹ thị trường, phân khúc thị trường. Đặc biệt, nhà ở cao cấp, chung cư cao cấp hiện nay lượng căn hộ tồn rất lớn.
“Điều nghịch lý là nhà ở phù hợp với túi tiền của người dân rất thiếu. Còn nhà ở thương mại, chung cư cao cấp chỉ mới bán được khoảng 30%, nhưng chưa biết người ta mua có đến ở hay không. Tại các dự án khu đô thị ở Đà Nẵng, chúng tôi vừa đi kiểm tra có nơi rộng vài trăm hecta, hạ tầng cơ bản xong nhưng chưa một căn nhà nào xây lên. Điều đó có thể nói rằng hiện nhu cầu thực của người dân chưa được đáp ứng” - ông Thiện nói.
Theo ông Thiện, đối với một số dự án bất động sản không thể triển khai vì thiếu nguồn vốn, dự án không khả thi, UBND TP Đà Nẵng cần rà soát, điều chỉnh hoặc thu hồi để tránh tình trạng sa lầy, kéo dài. “Trong khi chúng tôi đi kiểm tra ở 11 tỉnh thành thì các địa phương như TP.HCM, Hà Nội thu hồi cả trăm dự án, Đồng Nai, Bình Dương mỗi tỉnh thu hồi 20-30 dự án, trong khi không thấy Đà Nẵng báo cáo việc thu hồi các dự án đang gặp khó khăn” - ông Thiện nói.
(Theo TTO)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet