Bảo hiểm cháy nổ chung cư là gì? Chủ đầu tư hay cư dân phải mua bảo hiểm?
Giá thành đa dạng lại bao hàm nhiều tiện ích nên nhà chung cư là lựa chọn của không ít gia đình trẻ. Song, đây cũng là loại hình dễ đối mặt với nguy cơ cháy nổ, hư hại về cơ sở hạ tầng khiến cư dân phải lưu tâm hơn việc mua bảo hiểm cháy nổ chung cư. Vậy bảo hiểm cháy nổ chung cư là gì, mức phí và phạm vi bồi thường như thế nào?
1. Bảo hiểm cháy nổ chung cư là gì?
Bảo hiểm cháy nổ chung cư là một sản phẩm nhằm bảo vệ tài sản của cư dân khỏi những mất mát và hư hại khi xảy ra cháy, nổ. Quyền lợi của cư dân khi tham gia bảo hiểm cháy nổ chung cư đó là sẽ được chi trả những chi phí liên quan đến tổn thất căn hộ trong phạm vi bảo hiểm đề cập.
Theo Thông tư liên tịch số 214/2013/TTLT-BCA-BTC, nhà chung cư cao từ 5 tầng hoặc có khối tích từ 5.000 m2 trở lên thì bắt buộc phải tham gia bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư. Không khó để lý giải vì sao có quy định bắt buộc như vậy khi trên thực tế, chung cư là nơi tập trung đông cư dân, khối lượng vật tư thiết bị, chất dễ cháy nổ (điện, ga...) nhiều hơn so với nhà đơn lẻ. Đó là chưa kể nhiều tòa chung cư không được trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) đạt chuẩn, nhiều trường hợp thiết bị không hoạt động khi xảy ra sự cố, gây ra thiệt hại nặng nề về người và của.
Không mua bảo hiểm cháy nổ chung cư bị xử phạt thế nào?
Quy định đã có nhưng do sợ tốn kém hoặc chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng khi sự cố xảy ra nên nhiều người dân vẫn rất mơ hồ, thậm chí cố tình "làm ngơ" việc mua bảo hiểm cháy nổ chung cư. Căn cứ Điều 46 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, hành vi “trốn” mua bảo hiểm cháy nổ đối với trường hợp thuộc diện bắt buộc phải mua sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng (đối với cá nhân) và từ 60 - 100 triệu đồng (đối với tổ chức).
Bảo hiểm cháy nổ chung cư nhằm bảo vệ tài sản của cư dân khỏi những mất mát khi xảy ra cháy, nổ. Ảnh minh họa: Internet
Khi nào nhà chung cư không được mua bảo hiểm cháy nổ?
Mặc dù tham gia bảo hiểm là một cách để cư dân bảo vệ tài sản của mình phòng khi xảy ra sự cố nhưng không phải nhà chung cư nào cũng đủ điều kiện để được tham gia bảo hiểm. Nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp dưới đây, người dân dù muốn cũng không thể mua bảo hiểm cho căn hộ của mình:
- Khu chung cư mới xây hoặc mới được sửa chữa, bảo dưỡng, thay đổi mục đích sử dụng mà chưa được nghiệm thu công tác PCCC.
- Khu chung cư không có biên bản kiểm tra PCCC của các cơ quan có thẩm quyền, hoặc có nhưng là biên bản đã quá hạn (thời điểm kiểm tra PCCC gần nhất đã cách đây quá 1 năm).
- Khu chung cư đang bị đình chỉ xây dựng/ sử dụng do vi phạm công tác PCCC.
-
2. Chủ đầu tư hay cư dân phải mua bảo hiểm cháy nổ chung cư?
Hiểu được tại sao phải mua bảo hiểm cháy nổ chung cư, nhiều cư dân muốn tham gia loại hình này nhưng không khỏi thắc mắc trách nhiệm mua bảo hiểm thuộc về mình hay chủ đầu tư dự án. Giải đáp thắc mắc này, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP có quy định rõ như sau: “Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ”.
Tức là, khi chủ đầu tư vẫn là đơn vị sở hữu dự án chung cư thì doanh nghiệp này phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ chung cư. Khi người dân đã ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư, được chuyển nhượng quyền sở hữu căn hộ thì việc mua bảo hiểm chung cư sẽ thuộc về trách nhiệm của người mua.
Chủ sở hữu nhà chung cư không chỉ có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với căn hộ của mình mà còn phải đóng góp chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung của tòa nhà. Chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ cho phần sở hữu chung này được phân bổ tương ứng với phần diện tích căn hộ thuộc sở hữu riêng của từng cư dân.
-
3. Phạm vi bồi thường của bảo hiểm cháy nổ chung cư
Tùy thuộc vào loại bảo hiểm cháy nổ chung cư mà bạn mua, các công ty bảo hiểm sẽ tiến hành bồi thường cho bạn khi có rủi ro, tổn thất xảy ra với căn hộ chung cư của bạn. Việc bồi thường sẽ được thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng và đúng theo quy định của pháp luật. Một số loại bảo hiểm cháy nổ chung cư phổ biến có thể kể tới như: Bảo hiểm cháy nổ chung cư PVI, bảo hiểm cháy nổ PJICO…
Tuy nhiên, theo Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, vẫn có một số trường hợp dù cư dân đã mua bảo hiểm nhà chung cư nhưng khi xảy ra tổn thất, công ty bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường, ví dụ: Thiệt hại do cố ý vi phạm các quy định về PCCC, tài sản được bảo hiểm (nhà chung cư) bị sét đánh trực tiếp nhưng không gây ra cháy, nổ...
-
4. Một số loại bảo hiểm chung cư khác
Ngoài bảo hiểm cháy nổ chung cư, cư dân có thể tham gia một số loại bảo hiểm khác để bảo vệ tài sản trước mọi nguy cơ có thể xảy ra, ví dụ trộm cắp, bị cành cây lớn đổ vào… Riêng trường hợp nhà chung cư không may xảy ra trộm cắp, cư dân nếu đã mua bảo hiểm sẽ được chi trả tiền bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu nhà chung cư đã bị bỏ trống (không có người cư trú, sử dụng) trong vòng 30 ngày liên tiếp và xảy ra trộm cắp thì công ty bảo hiểm sẽ không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Về trình tự, thủ tục yêu cầu bảo hiểm bồi thường:
Khi xảy ra rủi ro, tổn thất, cư dân cần nhanh chóng cung cấp cho công ty bảo hiểm những thông tin cần thiết về vụ việc cùng những bằng chứng chứng minh thiệt hại (hình ảnh, chứng từ, bản kê khai thiệt hại...). Thông thường, thời hạn công ty bảo hiểm chi trả tiền bồi thường là 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường đầy đủ theo quy định. Ngược lại, nếu hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện, công ty bảo hiểm cũng phải thông báo cho người dân biết rõ lý do từ chối bồi thường trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đó.
Trên đây chúng ta đã tìm hiểu bảo hiểm nhà chung cư là gì? Chủ đầu tư hay cư dân phải mua bảo hiểm. Cùng với các thông tin đã chia sẻ ở những bài viết trước trên website Batdongsan.com.vn như: Căn hộ Duplex là gì?, hy vọng sẽ giúp ích phần nào cho người mua trước khi “rót tiền” vào loại hình nhà chung cư.
Linh Phương (TH)
>> Condotel là gì? Những điều cần biết khi đầu tư condotel
>> Đất thổ cư là gì? Tất tần tật những điều cần biết về đất thổ cư
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet