Bán nhà sở hữu nhà nước: Ai được mua?
Gần 360 câu hỏi của bạn đọc gửi đến buổi giao lưu trực tuyến “Làm sao mua được nhà sở hữu nhà nước?” sáng 18-11. Trong khi đó, theo Sở Xây dựng Tp.HCM, thời hạn bán nhà sở hữu nhà nước sẽ kết thúc cuối năm nay (tức chỉ còn hơn một tháng nữa).
Ông Đỗ Phi Hùng (bên trái) và các cán bộ, chuyên viên Sở Xây dựng TP trả lời bạn đọc - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Theo ông Đỗ Phi Hùng - phó giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, để được mua nhà thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) theo nghị định 61 của Chính phủ phải có hợp đồng thuê nhà dài hạn (36 tháng hoặc 60 tháng), có hộ khẩu thường trú tại TP, chưa được hưởng chính sách về nhà ở, đất ở (cả vợ và chồng). Ngoài ra, để được miễn giảm tiền mua nhà, người mua phải có thêm giấy xác nhận là gia đình chính sách (nếu có), giấy xác nhận thời gian công tác...
Ngày 31-12-2010 hết hạn bán nhà
Trả lời thắc mắc chung của nhiều người dân về thời hạn mua nhà SHNN, ông Hùng cho biết theo quy định, thời hạn tiếp nhận đơn xin mua nhà SHNN đến ngày 31-12-2010. Sau thời hạn này, những trường hợp chưa đủ điều kiện mua nhà sẽ tiếp tục được giải quyết theo cơ chế, chính sách mới do Chính phủ ban hành.
Những căn nhà không thuộc diện bán sẽ được sắp xếp quản lý, sử dụng theo phương án được UBND TP phê duyệt, đảm bảo quyền lợi cho những người đang thuê nhà SHNN. Về nguyên tắc, khi mua nhà thì phải trả hết tiền thuê nhà, tính đến thời điểm mua nhà.
Thắc mắc của bạn đọc Lý Quang Trí về phương án trả chậm đối với nhà SHNN, theo Sở Xây dựng TP, thời hạn thanh toán tiền mua nhà không quá 10 năm.
Ông Lương Duy Thắng chất vấn: vận dụng quyết định 118 ban hành từ năm 1992 để tạm dừng bán nhà đối với hộ thuê nhà sau ngày 1-11-1992 có đúng không? Theo ông Đỗ Phi Hùng, về nguyên tắc nhà ở thuộc SHNN bố trí sau thời điểm trên không thuộc diện bán nhà theo nghị định số 61 của Chính phủ.
Không bán nửa căn hộ
Một người dân tại cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh nêu câu hỏi: từ năm 2007 anh sang nhượng lại nửa căn hộ, diện tích dưới 30m2. Sau đó có liên hệ với cơ quan chức năng quận Bình Thạnh thì được giải thích không hóa giá nửa căn hộ.
Vậy phải làm gì để được hóa giá? Ông Đỗ Phi Hùng cho rằng về nguyên tắc không được chia tách căn hộ chung cư, do đó cơ quan chức năng quận Bình Thạnh không giải quyết bán nhà theo nghị định số 61 cho một nửa căn hộ chung cư là đúng theo quy định hiện hành.
Theo ông Hùng, trường hợp nhà ở và nhà làm việc đan xen với nhau cũng không thuộc diện được bán. Để được mua nhà, đơn vị đang quản lý nhà ở phải bố trí, sắp xếp tách biệt giữa khu vực làm việc và khu vực ở, đồng thời phải làm thủ tục chuyển giao cho ngành nhà đất TP quản lý.
“Hiện tôi có một biệt thự khoảng 1.200m2 (đã hóa giá) tại làng đại học quận Thủ Đức. Bên trong khuôn viên có một căn hộ khoảng 60m2. Nay người chủ sở hữu căn hộ muốn bán phần đất này cho chúng tôi thì cần phải thực hiện những thủ tục gì?” - bạn đọc Trương Hoàng Duy hỏi.
Theo Sở Xây dựng, nếu phần diện tích nhà đất trong biệt thự đã được mua và đã công nhận quyền sở hữu thì phần diện tích còn lại do người khác sử dụng sẽ giải quyết theo một trong hai trường hợp sau: nếu phần nhà đất này thuộc sở hữu tư nhân, việc chuyển nhượng giữa hai bên được thực hiện bình thường theo Luật dân sự. Nếu phần nhà đất thuộc SHNN, người đang thuê phải làm thủ tục mua nhà theo quy định để được công nhận quyền sở hữu, sau đó mới được chuyển nhượng lại.
Hai dạng nhà chưa bán theo nghị định 61 Hiện có hai dạng nhà SHNN chưa bán theo nghị định 61 mà phải chờ Chính phủ, UBND TP hướng dẫn là nhà biệt thự và nhà bố trí sau thời điểm quyết định 118 của Thủ tướng Chính phủ về giá cho thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương có hiệu lực (ngày 1-11-1992). Sau khi có chủ trương của các cơ quan có thẩm quyền, Sở Xây dựng TP sẽ triển khai thực hiện đến UBND quận huyện, các đơn vị quản lý nhà thuộc SHNN. |
(Theo Tuổi trẻ)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet