Bán lẻ mặt phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19
Mặt bằng bán lẻ và văn phòng được nhận định là 2 phân khúc bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ở phân khúc bán lẻ, bán lẻ mặt phố bị ảnh hưởng nặng nề hơn bán lẻ trung tâm thương mại. Trong khi đó, thị trường văn phòng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ghi nhận tác động tiêu cực đáng kể của Covid-19.
Bán lẻ mặt phố bị ảnh hưởng nặng nề
Nhận định về thị trường bán lẻ, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu – Tư vấn Savills Hà Nội cho biết cùng thuộc phân khúc bán lẻ nhưng trong đại dịch Covid-19, công suất của trung tâm mua sắm vẫn ở mức cao do các thương hiệu nổi tiếng được trang bị tốt hơn để ứng phó, cũng như lo ngại mất tiền cọc hoặc rủi ro về pháp lý. Trong khi đó, bán lẻ mặt phố chứng kiến tình trạng đóng cửa trên diện rộng do các doanh nghiệp nhỏ nhạy cảm hơn với biến động kinh tế.
Các thương hiệu có các cửa hàng ở cả trung tâm mua sắm và mặt phố thường ngừng hoạt động các cửa hàng mặt phố trước tiên. Doanh thu các thương hiệu có mặt bằng kinh doanh là cửa hàng mặt phố bị ảnh hưởng nặng nề, giảm khoảng 50%, trong đó giá thuê có thể chiếm lên đến 50% tổng chi phí hoạt động. Các khách thuê đã đề xuất với chủ nhà về việc miễn giá thuê trong thời gian cách ly tháng 4 và giảm 20-50% giá thuê trong 3 đến 12 tháng tới. Nhiều người đang tiếp tục đàm phán để được giảm sâu hơn về giá thuê và các chi phí kinh doanh khác; một số khác đã quyết định không gia hạn hợp đồng thuê.
Tác động kinh hoàng của Covid-19 đã khiến thị trường không có dự án mới trong quý đầu tiên. Các dự án ngoài trung tâm chứng kiến suy giảm mạnh hơn về cả giá thuê lẫn công suất thuê. Trên thực tế, các nhà bán lẻ đã vắng khách từ tháng 2 và đến giữa tháng 3 khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội được công bố thì lượng khách sụt giảm mạnh mẽ. Nghi ngại lây nhiễm đã dẫn đến việc đóng cửa tạm thời của các nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí và trung tâm thể thao. Bà Hằng cho biết cuộc khảo sát của Savills gần đây cho thấy có 55% khách thuê doanh thu giảm trên 50% so với quý trước. Hầu hết các ngành hàng đều bị ảnh hưởng tiêu cực.
Việc tích trữ dẫn đến số lượng các chuyến mua sắm giảm xuống, và các cửa hàng mặt phố, cửa hàng tiện lợi kém được ưa chuộng hơn so với các mô hình bán lẻ quy mô lớn như đại siêu thị, siêu thị và siêu thị mini với nguồn cung sản phẩm lớn hơn, mức giá rẻ hơn, cộng thêm dịch vụ giao hàng tận nhà. Do đó, riêng mảng siêu thị ghi nhận tăng trưởng lên đến 20%. Trong ngắn hạn, diện tích trống của các trung tâm sẽ tiếp tục tăng đáng kể.
Bán lẻ mặt phố bị ảnh hưởng nặng nề hơn bán lẻ trung tâm thương mại. Ảnh minh họa
Covid-19 đang thúc đẩy thương mại điện tử và tấn công bán lẻ truyền thống. 28% các nhà bán lẻ đang kết hợp cả hai kênh trực tiếp và trực tuyến và 28% chỉ hoạt động trực tuyến. Doanh thu từ thương mại điện tử của nhiều cửa hàng có thể tăng lên đến 30%. Lượng doanh nghiệp trong ngành ẩm thực tham gia các ứng dụng giao hàng tăng mạnh nhằm duy trì hoạt động. Các thương hiệu trung và cao cấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng đã nhanh chóng đẩy mạnh dịch vụ giao hàng tận nhà.
Covid-19 chưa tác động đáng kể đến văn phòng
Cũng theo bà Hằng, thị trường văn phòng quý 1/2020 chưa ghi nhận tác động tiêu cực đáng kể của Covid-19 mà vẫn duy trì hoạt động ổn định. Hầu hết các hợp đồng thuê có thời hạn từ 3 đến 5 năm và do đó hoạt động vẫn được thông suốt. Trong ngắn hạn, tỷ lệ trống sẽ tăng lên khi khách thuê thắt chặt chi tiêu, giảm diện tích hoặc đóng cửa văn phòng, hoặc trì hoãn kế hoạch mở rộng. Diện tích cho thuê thêm của quý 1/2020 là -15.600 m², mức thấp nhất trong sáu quý vừa qua, chủ yếu do hai dự án hạng A rút ra. Diện tích cho thuê thêm cao nhất tại hạng B và khu vực phía Tây. Tuy nhiên, diện tích cho thuê thêm sẽ tăng chậm trong năm 2020.
Hầu hết các công ty được khuyến khích làm việc từ nhà hoàn toàn hoặc luân phiên, khiến nhiều nơi làm việc đóng cửa tạm thời. Các công ty trong lĩnh vực vận tải, du lịch và khách sạn bị ảnh hưởng nhiều nhất do mức độ tương tác xã hội cao. Các công ty sản xuất và thương mại giảm nhu cầu thuê do sự gián đoạn về sản xuất và chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp đang đánh giá lại lực lượng lao động nhằm giảm thiểu chi phí. Trong khi đó, các công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm đang phát triển mạnh; nhóm này có nhu cầu thuê cao. Các công ty công nghệ thông tin cũng đang phát triển do công nghệ đang được áp dụng rộng rãi để giúp tối ưu hóa năng suất làm việc từ xa.
Riêng với văn phòng chia sẻ (Coworking), nguồn cầu đã giảm đáng kể bởi loại hình này dễ dàng bị đại dịch tác động với thời hạn thuê ngắn và hợp đồng linh hoạt. Coworking được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng do nguồn cầu mạnh từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bà Hằng nhận định cú sốc ngoại cảnh không tác động ngay đến việc hợp đồng thuê bị huỷ hay giá thuê giảm, trừ khi hợp đồng hết hạn. Cuộc khủng hoảng mang đến trải nghiệm làm việc tại nhà toàn diện nhất trong lịch sử. Làm việc tại nhà có thể không bao giờ thay thế hoàn toàn các văn phòng, nhưng sự bùng nổ sắp tới của công nghệ sẽ thúc đẩy hình thức này phát triển.
Trong dài hạn, đến năm 2024, thế hệ millennials sẽ chiếm 75% lực lượng lao động và có xu hướng quan tâm đến các dạng văn phòng khác nhau. Các lựa chọn làm việc tại nhà, cách thiết kế văn phòng và các tiện ích bổ sung có thể sẽ thu hút nhóm khách này.
An An
>> BĐS thương mại và cuộc tháo chạy của giới đầu tư giữa đại dịch Covid
>> Giá thuê văn phòng không giảm trong đại dịch Covid-19
Xem thêm tổng hợp các tin tức mới nhất về BĐS & Covid-19 TẠI ĐÂY
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet