Bài học khi dự án Việt Nam nhận vốn đầu tư ngoại
Giành phần thắng theo phán quyết của trọng tài quốc tế, Việt Nam thoát nguy cơ bồi thường số tiền khổng lồ, song cũng tự rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm khi làm việc với nhà đầu tư ngoại.
>>Việt Nam thắng vụ kiện dự án hơn 3,7 tỷ đô
Trong hơn 20 năm mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài , đây là lần đầu tiên Việt Nam ứng phó với một vụ kiện đầu tư quốc tế và giành phần thắng. Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định Chính phủ đã có những phản ứng kịp thời, các cơ quan liên quan cũng nghiêm túc hơn trong việc chuẩn bị hồ sơ, bằng chứng để tham gia một vụ kiện mang tầm quốc tế. "Việc Hội đồng Trọng tài công nhận Việt Nam không vi phạm cho thấy các Bộ, chính quyền địa phương đã trưởng thành", ông nói.
Vị trọng tài giàu kinh nghiệm này không nói ra, nhưng giới quan sát ai cũng liên tưởng tới những vụ bị kiện trên thương trường quốc tế trước đây mà Việt Nam từng thua trước đây phần nhiều do chủ quan, không chuẩn bị ứng phó kịp thời.
Một góc dự án South Fork của nhà đầu tư Mỹ |
Song, đằng sau câu chuyện giữa tỉnh Bình Thuận, Chính phủ với chủ đầu tư dự án South Fork, nhiều bài học được đặt ra cho Việt Nam trong quá trình làm việc với nhà đầu tư nước ngoài cũng như cấp phép dự án.
Nhà đầu tư Mỹ Michael McKenzie được cấp phép triển khai dự án South Fork ở Bình Thuận từ 2004 nhưng khiếu nại vì không được cấp đất, đã vậy địa phương còn giao đất cho một dự án khác lấn vào diện tích đã cấp cho South Fork. Ông này đã khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Trọng tài Quốc tế, yêu cầu bồi thường 3,7 tỷ USD nhưng bất thành.
"Việt Nam thoát vụ này nhưng tốt nhất vẫn là không để dính vào những vụ kiện khác nhằm giữ uy tín với nhà đầu tư quốc tế", chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thành viên của Hội đồng Trọng tài quốc tế Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông, tương lai Việt Nam sẽ phải làm việc với rất nhiều nhà đầu tư lớn và xung đột lợi ích là điều khó tránh khỏi, do đó, trong mỗi dự án sẽ phải tránh những sơ hở phát sinh, đặc biệt là với nhà đầu tư Mỹ, nơi mỗi năm phát sinh rất nhiều kiện tụng, mà giới luật sư lại làm việc rất "cần mẫn".
Việc lựa chọn, đánh giá năng lực chủ đầu tư và thường xuyên theo dõi quá trình triển khai dự án cũng là điều kiện tiên quyết để hạn chế tiêu cực. "Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phải chú ý và chặt chẽ trong lựa chọn nhà đầu tư. Nếu đã chọn rồi thì phải đốc thúc, theo sát bởi có một số nhà đầu tư cam kết nhưng không thể triển khai, hoặc không muốn triển khai dự án", ông Lê Đăng Doanh khuyến nghị.
Không chỉ vậy, đây còn là bài học cho các địa phương trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là khi hiện nay các tỉnh, thành đang đua nhau "trải thảm đỏ" thu hút vốn ngoại bằng mọi giá. Chia sẻ trong một buổi tọa đàm mới đây, tiến sĩ Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài thừa nhận việc phân cấp đầu tư một mặt đang khiến địa phương năng động, sáng tạo hơn trong thu hút FDI nhưng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề gắn với lợi ích cục bộ, không phù hợp với lợi ích quốc gia.
"Lãnh đạo các địa phương cần thay đổi tư duy trong cách tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chẳng hạn như việc chấp nhận quá dễ dãi những dự án không phù hợp với quy hoạch, thậm chí để các nhà đầu tư rởm lợi dụng gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia", ông nói.
Với trường hợp dự án South Fork ở Bình Thuận, phương tiện truyền thông của tỉnh này đưa tin dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2004 với vốn đầu tư 50 triệu USD và được UBND tỉnh giao hơn 330 hécta trên tổng số 600 hécta đất dự án. Tuy nhiên, đến năm 2010, khi đi kiểm tra lãnh đạo tỉnh mới biết chủ đầu tư chưa triển khai. "Cần phải minh bạch trong cấp phép đầu tư cũng như giải quyết xung đột giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý, hoặc giữa các nhà đầu tư với nhau", lãnh đạo của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bày tỏ.
Khi vấp phải rủi ro bị nhà đầu tư kiện, vị chuyên gia trên khuyến nghị các tổ chức có liên quan phía Việt Nam phải có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu, chỉ định trọng tài viên hợp lý và có những lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Ông dẫn chứng trường hợp Việt Nam thắng chủ dự án South Fork, ngay từ đầu đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các cơ quan liên quan và tỉnh Bình Thuận, cũng như thuê luật sư tư vấn và chỉ định trọng tài viên.
"Nếu tham gia quá chậm, không có sự phối hợp thì sẽ không đi tới thành công", ông nói. Ngoài ra, cũng phải bám sát quy định pháp luật trong nước, quốc tế, những Hiệp định thương mại Việt Nam tham gia để bảo vệ quyền lợi chính đáng, như lần này phía Việt Nam đã đòi phía ông McKenzie phải thanh toán toàn bộ các chi phí của vụ kiện.
Bên cạnh đó, cần lưu ý đến việc thương thuyết với nhà đầu tư để hạn chế tối đa những rắc rối khi theo kiện. "Với vụ kiện lần này, việc giải thích với nhà đầu tư đã không thành công. Phải nghiên cứu tại sao lại thất bại và làm thế nào hạn chế các bất đồng", vị trọng tài viên khuyến nghị.
Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch trên 28 tỷ USD vào năm 2013. Tính đến hết tháng 2/2014, quốc gia này có 685 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký 10,7 tỷ USD, đứng thứ 7 trong 101 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet