Chủ trương này đã nhận được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến làm việc tại tỉnh tháng 5/2010. Văn bản số 161/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Đồng ý chủ trương lập quy hoạch tỉnh Bắc Ninh, làm cơ sở phát triển tỉnh Bắc Ninh trở thành TP trực thuộc Trung ương”. Từ đó đến nay, chủ trương đã từng bước được hiện thực hóa. Mới đây nhất, tháng 01/2012, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chính thức phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh). Hiện tại, ngành chức năng đang khẩn trương triển khai các công việc tiếp theo…

Bắc Ninh: Phần đấu trở thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2020 | ảnh 1

Lợi thế tuyệt vời

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô Hà Nội và nằm trong vùng châu thổ sông Hồng, Bắc Ninh là tỉnh có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, là cầu nối và đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Hơn thế, Bắc Ninh còn là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, nằm trọn trong hai hành lang, một vành đai kinh tế trọng điểm của đất nước. Bắc Ninh có lợi thế nổi trội về giao thông. Về đường bộ, Bắc Ninh có các tuyến đường giao thông huyết mạch đi qua như QL1A, QL18, QL38, QL3 mới, vành đai 2 và 4 của Hà Nội, tương lai có thêm tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai theo hướng đông nam - tây bắc (hành lang phát triển Côn Minh - Hải Phòng) và liên kết với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Về đường sắt, Bắc Ninh có đường sắt liên vận Hà Nội - Lạng Sơn - Trung Quốc, đường sắt cao tốc Yên Viên - Cái Lân đi qua. Về đường thủy, Bắc Ninh có hệ thống đường sông trên sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình nối với hệ thống các cảng sông, cảng biển trong khu vực, tạo điều kiện giao lưu kinh tế - văn hóa với các vùng trong cả nước.

Đặc biệt hơn nữa, mặc dù là tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ nhất cả nước, dân số vào khoảng 1 triệu người, nhưng Bắc Ninh lại sở hữu nhiều địa danh văn hóa - lịch sử nổi tiếng, có những lễ hội truyền thống đặc sắc, có văn hóa lịch sử lâu đời và truyền thống cách mạng vẻ vang. Đây được cho là tiền đề phát triển Bắc Ninh trở thành một vùng đô thị văn hiến, văn minh, hiện đại, bền vững, có bản sắc văn hóa riêng...

Với những lợi thế tuyệt vời đó, 15 năm qua, kể từ thời điểm tái lập, tỉnh Bắc Ninh đã có một giai đoạn phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Nếu năm 2007, tổng thu ngân sách của Bắc Ninh chỉ đạt xấp xỉ 162,6 tỷ đồng thì đến năm 2011, con số này đã gấp hơn 40 lần, đạt khoảng 6.800 tỷ đồng...

Đô thị phát triển “nóng”

Song song với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, Bắc Ninh đồng thời phát triển lớn mạnh hệ thống đô thị. Đến nay, tỉnh có 8 đô thị bao gồm TP Bắc Ninh, TX Từ Sơn, 6 thị trấn Chờ (Yên Phong), Phố Mới (Quế Võ), Hồ (Thuận Thành), Gia Bình (Gia Bình), Lim (Tiên Du) và Thứa (Lương Tài). Các đô thị này giữ vai trò là các trung tâm kinh tế - thương mại, dịch vụ, chính tri ̣- hành chính của tỉnh, của huyện.

Đáng ghi nhận là 100% các đô thị Bắc Ninh đã được lập quy hoạch chung, 70% diện tích đất xây dựng đô thị đã được lập quy hoạch chi tiết, 30% số các điểm dân cư nông thôn đã được lập quy hoạch xây dựng. Nhiều KĐT và khu dân cư mới, các khu đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ… đã được lập quy hoạch làm cơ sở thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn toàn tỉnh.

Sự phát triển mạnh của các đô thị và một số KCN đã thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa của tỉnh. Việc cải tạo, mở rộng và hoàn thiện từng bước hệ thống hạ tầng đã tạo điều kiện cải thiện quá trình liên kết hệ thống đô thị và các điểm dân cư nông thôn trong toàn tỉnh với các tỉnh xung quanh, từ đó thúc đẩy quá trình nhất thể hóa đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hệ thống đô thị Bắc Ninh cũng đã bộc lộ không ít những tồn tại bất cập. Trong tương lai, nếu không được quy hoạch kịp thời, sự phát triển “nóng” của hệ thống đô thị Bắc Ninh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của Vùng Thủ đô. Và nếu Bắc Ninh tiếp tục duy trì mô hình phát triển chủ yếu theo “chiều rộng”, chỉ chú trọng phát triển công nghiệp - đô thị theo tinh thần “trải thảm đỏ thu hút đầu tư” thì sẽ đem lại một hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, không cân đối, kém bền vững về môi trường và lãng phí quỹ tài nguyên đất đai.

TP Bắc Ninh trở thành đô thị loại I trước năm 2020

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời phát triển của hệ thống đô thị phù hợp với nền kinh tế (Bắc Ninh sẽ chuyển dịch dần cơ cấu từ công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp hiện nay sang hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp trong tương lai). Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh xác định rõ: Xây dựng hệ thống đô thị Bắc Ninh, trong đó có TP Bắc Ninh làm đầu tàu sẽ trở thành đô thị loại I trước năm 2020, cả tỉnh trở thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2020, tiến tới TP có chất lượng phát triển cao so với các TP ở trong nước, ngang tầm với những TP phát triển khá trong khu vực Đông Nam Á vào những năm 2030. Hệ thống đô thị Bắc Ninh sẽ được xây dựng trở thành một trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, hướng tới mục tiêu văn hiến, văn minh, hiện đại, sinh thái gắn với không gian truyền thống. Phát huy bản sắc văn hóa nổi trội, Bắc Ninh sẽ tạo lập môi trường sống tốt, đáp ứng các nhu cầu vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững giữa đô thị - nông thôn, hướng đến xây dựng một nền kiến trúc tiên tiến, mang đặc trưng riêng của tỉnh Bắc Ninh với truyền thống văn hóa Kinh Bắc đặc sắc, phù hợp với kiến trúc tổng thể Vùng Thủ đô và các đô thị lớn trong vùng.

Việc nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng vùng với phạm vi toàn tỉnh sẽ là cơ sở để lập quy hoạch chung TP Bắc Ninh mở rộng trở thành “Đô thị lõi” - Đô thị loại I và làm căn cứ cho việc đề xuất Bắc Ninh trở thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Đây còn là mụ̣c tiêu và giải pháp có tầm chiến lược của tỉnh, làm cơ sở cho việc quản lý quy hoạch đô thị, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, lập kế hoạch quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên, nhân văn hợp lý nhằm nâng cao chất lượng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình CNH, HĐH tỉnh Bắc Ninh.

Nhất thể hoá đô thị - nông thôn

Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh xác định lộ trình thực hiện:

- Đến năm 2015: Trở thành tỉnh công nghiệp, nâng cấp đô thị tỉnh Bắc Ninh đạt tiêu chí đô thị loại II.

- Đến năm 2020: Đạt tiêu chí đô thị loại I, trở thành TP trực thuộc Trung ương.

- Giai đoạn 2020 - 2030: Trở thành TP phát triển nổi trội về mặt văn hoá.

- Giai đoạn 2030 - 2050: Trở thành TP có chất lượng phát triển cao so với các TP ở trong nước, ngang tầm với những TP phát triển khá trong khu vực Đông Nam Á.

Đồ án cũng chú ý đến việc điều chỉnh, cải tạo, nâng cấp các KĐT, KCN cũ theo hướng hiện đại, bền vững, gắn chương trình phát triển nông thôn mới với lộ trình phát triển đô thị toàn tỉnh theo phương châm "Nhất thể hoá đô thị - nông thôn".

(Theo Baoxaydung)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME