Bác kiến nghị đánh thuế VAT khi chuyển quyền sử dụng đất
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có góp ý Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật Thuế gửi Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính).
Tính giá chuyển quyền sử dụng đất không khó
Liên quan đến đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng VAT với chuyển quyền sử dụng đất, VCCI cho rằng, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải nộp thuế giá trị gia tăng dựa trên giá bán bất động sản chưa thuế trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước. Tờ trình của cơ quan soạn thảo đưa ra lý do chính để đánh thuế giá trị gia tăng đối với chuyển quyền sử dụng đất là bởi khó khăn do không có cơ sở hoặc không xác định được thế nào là giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách.
Nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh với VCCI rằng, việc tính toán giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất của họ không có gì khó khăn. Ngay cả khi có vướng mắc trong xác định giá tính thuế đi chăng nữa thì cũng có thể được tháo gỡ thông qua việc hướng dẫn chi tiết cách tính hoặc ấn định một cách tính giá chuyển quyền sử dụng đất khi tính thuế.
VCCI cho hay, khó khăn trong việc xác định giá trị được trừ khi tính thuế không thể là lý do để không cho phép trừ phần giá trị đó.
Bản góp ý do ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI ký gửi dẫn Điều 3 của Luật Thương mại, đất đai hay quyền sử dụng đất không phải là hàng hoá, dịch vụ. Theo Điều 2 của Luật Thuế giá trị gia tăng, đây là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng nên việc đánh thuế giá trị gia tăng đối với chuyển quyền sử dụng đất sẽ không phù hợp với bản chất của loại thuế này.
Văn bản của VCCI đặt vấn đề, việc đánh thuế giá trị gia tăng đối với chuyển quyền sử dụng đất đặt ra câu hỏi về người nộp thuế. Liệu người nộp thuế chỉ là các cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản hay bao gồm cả những cá nhân, tổ chức mua bán bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên (không kinh doanh).
VCCI bác kiến nghị đánh thuế VAT khi chuyển quyền sử dụng đất. Ảnh minh họa |
VCCI đưa ra giả thiết, trong trường hợp chỉ những cá nhân, tổ chức kinh doanh bất động sản phải nộp khoản thuế này thì sẽ gây ra sự bất bình đẳng về thuế khi mà những cá nhân, tổ chức khác không phải nộp. Điều này sẽ càng làm gia tăng những nhà đầu tư cá nhân mặc dù không đăng ký kinh doanh bất động sản nhưng vẫn mua đi bán lại bất động sản nhằm mục đích thu lợi.
Còn nếu yêu cầu cả những cá nhân, tổ chức mua bán bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên (không kinh doanh) cũng phải nộp thuế giá trị gia tăng thì sẽ gây những khó khăn lớn về việc lưu giữ hoá đơn, khấu trừ thuế, hoàn thuế do thời điểm mua và thời điểm bán bất động sản có thể cách nhau nhiều năm.
Thu thuế có thể làm tăng giá đất
Cũng theo VCCI, việc đánh thuế giá trị gia tăng đối với chuyển quyền sử dụng đất còn có thể gây nhiều tác động lớn như làm tăng giá đất đai, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quyền tiếp cận chỗ ở của người dân.
Với những lý do trên, VCCI đã đề nghị cơ quan soạn thảo vẫn duy trì quy định chuyển quyền sử dụng đất không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng như Luật Thuế Giá trị gia tăng hiện hành.
Trước đó, đề xuất này của Bộ Tài chính cũng gặp nhiều ý kiến phản đối. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản từng cho rằng, đề xuất này có thể đẩy giá nhà lên cao. Tính toán sơ bộ, nếu áp cả VAT khi chuyển quyền sử dụng đất, mỗi giao dịch bán nhà sẽ đội thêm 10-15% chi phí.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte cho hay, quyền sử dụng đất không phải một hàng hoá thông thường, không thoả mãn điều kiện là một hàng hoá.
Theo ông Tuấn, quyền sử dụng đất là quyền pháp lý. Các quy định hiện hành về VAT đều không coi các quyền là hàng hoá chịu VAT. Bên cạnh đó, đất là tài sản Nhà nước, chỉ cho phép người dân sử dụng, định đoạt như chuyển nhượng, tặng, cho... chứ không được sản xuất, tiêu dùng, lưu thông như hàng hoá bình thường.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet