Đã có 8 dự án đi vào hoạt động sản xuất, với công suất khoảng 6 triệu tấn thép và khoảng gần 2 triệu tấn phôi thép/năm.
 

Sản xuất thép tại nhà máy Cty Thép Việt

Cung vượt cầu

Hai năm qua, khi tình trạng thiếu điện nghiêm trọng diễn ra liên tục, nhất là mùa khô năm 2010 vừa qua, các cơ quan chức năng của tỉnh BR-VT mới giật mình, vì có nhiều “bất lợi” khi thu hút các dự án thép, do ngành này tiêu tốn nhiều điện, nhất là luyện phôi. Thực tế, chỉ với 8 nhà máy sản xuất (SX) thép đang hoạt động trên địa bàn, trong đó hai nhà máy luyện phôi mới hoạt thì lượng điện tiêu thụ đã ngốn hơn 50% tổng sản lượng toàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Giáp - Phó Giám đốc Sở Điện lực BR-VT chứng minh: “Các nhà máy thép sử dụng điện rất lớn như: Nhà máy thép Phú Mỹ, mỗi tháng sử dụng 24 triệu kwh, Thép Việt, tháng 3 xài gần 28 triệu kwh, Posco hết 12,5 triệu kwh... Trong khi đó, cả huyện Xuyên Mộc mỗi tháng chỉ tiêu thụ 8 triệu kwh, Long Điền, Đất Đỏ mỗi huyện chỉ 7 triệu kwh - chỉ bằng 1/3 sản lượng một nhà máy thép”. Bên cạnh đó, BR-VT còn phải phải giải quyết một lượng chất thải khổng lồ từ hoạt động này bởi chất thải rắn của hoạt động sản xuất phôi thép tương đối lớn mà địa bàn BR-VT có tới 5 dự án luyện phôi, tất cả đều sử dụng nguyên liệu là thép phế thải.

Câu chuyện nhà máy luyện phôi của Công ty CP Thép Việt cho thấy rõ nguy cơ này. Công ty này lúng túng khi mỗi ngày sản xuất thải ra vài ba tấn xỉ, khiến không còn chỗ trống nào trong khuôn viên nhà máy để chứa xỉ thải.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Châu - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho rằng, tỉnh đã có 100 ha giành cho chôn lấp chất thải rắn, do đó, BR-VT hoàn toàn có thể yên tâm với các dự án thép hiện có. Ông Châu lạc quan: “Xỉ thép không ô nhiễm, chỉ có cái là phải chôn lấp nó thôi, mỗi năm 3 triệu tấn phôi thì chưa đến 100 ngàn tấn xỉ. Chôn lấp thì trên đó vẫn có thể xây dựng các công trình. Chôn thì chỉ làm cho kết cấu nền móng công trình tốt thêm. 100 ha thì cả đời chúng ta chôn cũng không hết. Trong khi, khu Tóc Tiên dư sức chôn lấp trong nhiều năm”.

Cấp phép tràn lan

Hiện số dự án thép thu hút vào BR-VT lên đến con số 18, gấp 2 lần con số cho phép. Như vậy, BR-VT đang dư thừa so với qui hoạch cho phép là 9 dự án, với tổng công suất vượt quy hoạch là 1,75 triệu tấn phối thép/năm và 5 triệu tấn thép cán/năm.

Bà Trần Thị Hường - Giám đốc Sở Công thương tỉnh cũng nhìn nhận: “Đến nay, tỉnh thu hút vượt xa quy hoạch đã được Bộ phê duyệt, đã phá vỡ quy hoạch thép trên địa bàn”. Còn ông Bùi Quang Chuyện cho biết: Trong số 74 dự án thép có quy mô công suất lớn từ 100.000 tấn năm trở lên trên cả nước, BR-VT có tới 13 dự án. Trong đó, chỉ có 5 dự án nằm trong quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2007 – 2015, còn lại 8 dự án nằm ngoài quy hoạch.

Theo bà Trần Thị Hường, một phần của câu chuyện “dự án vượt quy hoạch” là do có một số dự án khi được tỉnh BR-VT cấp phép khi Thủ tướng chính phủ chưa phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thép. Tỉnh không có căn cứ nào để không cấp phép cho doanh nghiệp có nhu cầu. Mà đã không có căn cứ quy hoạch khi cấp phép thì phải xem xét. Do đó, bà Hường đề nghị bộ cùng địa phương rà soát lại từng dự án, với những dự án đã cấp phép trước khi có quy hoạch thì nên bổ sung quy hoạch để dự án được tồn tại. Đối với những dự án cấp sau (từ 2008 trở đi), thì nên tính toán, nhất là những dự án không có khả năng triển khai, mới chỉ được cấp phép. Đồng quan điểm này, ông Bùi Quang Chuyện - Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương thống nhất sẽ tính toán lại. Tuy nhiên, ông Chuyện nhấn mạnh, khi cấp phép tỉnh phải tính toán, phải có dự báo và cảnh báo cho các nhà đầu tư. Tỉnh phải chấp hành quy hoạch chung của cả nước khi cấp phép cho các dự án chứ không thể cứ cấp tràn lan.

Ở góc độ của nhà quản lý trực tiếp chịu trách nhiệm về việc cấp phép cho các dự án vào KCN của tỉnh BR-VT, ông Lê Minh Châu - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho rằng: Quy hoạch chỉ là định hướng và là định hướng mở. Trước đây, định hướng phát triển ngành thép đã không tính đến hết các lợi thế so sánh của khu vực phía Nam, nhất là địa phương BR-VT, do đó đương nhiên bộ phải điều chỉnh. Ông Châu khẳng định: “Công tác dự đoán trước đây chưa thấy được hết tiềm năng của nền kinh tế. Mình dự báo trước đây quy mô nhỏ, bây giờ thì rộng lớn hơn, đó là chuyện bình thường. Chuyện điều chỉnh là chuyện bình thường. Quy hoạch là định hướng, không phải là kế hoạch, mà bây giờ mục tiêu thay đổi rồi thì có quyền điều chỉnh tăng hoặc giảm (thép là điều chỉnh tăng), do đó đương nhiên bộ phải chấp thuận”.

Hiện số dự án thép thu hút vào BR-VT lên đến con số 18, gấp 2 lần con số cho phép. Như vậy, BR-VT đang thừa so với quy hoạch cho phép là 9 dự án. Thế nhưng, hiện nay, BR-VT đã quy hoạch KCN Phú Mỹ III chuyên về ngành thép, hạ tầng KCN này đang được triển khai xây dựng. Như vậy, con số dự án ngành thép sẽ tăng nhiều hơn hiện tại.
 

Theo DDDN

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME