Áp thuế 10% đối với phôi thép nhập khẩu chứa Crom, Bo
Nhằm hạn chế tình trạng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam bán với giá rẻ, dự kiến sẽ áp thuế 10% đối với phôi thép và thép xây dựng đội lốt thép hợp kim (chứa nguyên tố Crom, Bo).
Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Thông tư sửa đổi và bổ sung danh mục nhóm mặt hàng, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với mặt hàng thép hợp kim quy định tại Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Cụ thể, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung nhóm 7224 vào Chương 98, mã hàng 9811.00.00 nhằm hạn chế nhập khẩu nhóm hàng này nếu có chứa nguyên tố Crom hoặc Bo và quy định mức thuế suất 10%. Cùng với đó, bổ sung thêm nguyên tố Crom vào phần chú giải nhóm 98.11 quy định tại điểm 2.4, khoản 2 mục I Chương 98.
Theo Bộ Tài chính, việc áp thuế 10% lên thép chứa hợp kim Crom và Bo chỉ là một biện pháp nhằm góp phần hạn chế việc nhập khẩu mặt hàng phôi thép hợp kim có chứa Crom, Bo về làm thép xây dựng thông qua mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN.
Thực tế cho thấy, khả năng doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhập khẩu có C/O form E để được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt ACFTA là 0%.
Việc áp thuế 10% lên thép chứa hợp kim Crom và Bo là một biện pháp nhằm hạn chế phôi thép hợp kim có chứa Crom, Bo tràn vào thị trường Việt Nam. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã gửi văn bản lên Bộ Tài chính phản ánh về việc phôi thép hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc mã HS 7224.90.00.
VSA cho hay, hiện nay, lượng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm trên 75% tổng lượng phôi nhập cả nước.
Nhất là trong 2 tháng gần đây xuất hiện một số công ty thương mại nhập khẩu phôi thép Trung Quốc khai là phôi thép hợp kim chứa nguyên tố Crom (Crom≥0,3%) với mã HS 7224.90.00 để hưởng thuế suất 0%.
Được biết, lượng phôi thép nhập khẩu theo mã HS 7224.90.00 trong tháng 9/2015 là trên 62.017 tấn với trị giá trên 20 triệu USD, theo dự báo sẽ tăng mạnh trong các tháng cuối năm. Tính riêng trong tháng 8 và tháng 9 năm nay, ngân sách nhà nước đã bị thất thu trên 1,89 triệu USD.
Theo VSA, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và cả các đơn vị sản xuất thép cán sẽ khó có khả năng đứng vững trong tương lai, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc với sản lượng xuất khẩu hàng năm lên tới 100 triệu tấn đang tăng cường xuất khẩu bởi nhu cầu trong nước bước vào giai đoạn suy giảm.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet