Ai phá vỡ quy hoạch Hà Nội?
Những tưởng sau khi quy hoạch chung Thủ đô được thông qua, Hà Nội sẽ có diện mạo phát triển ngang ngửa các nước trong khu vực. Nhưng, Hà Nội ngày nay đang phải chịu nhiều hệ lụy từ ô nhiễm, tắc đường và ngập úng. Vì đâu dẫn đến những hệ lụy này?
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, người dân đã rất mong chờ một Hà Nội được mở rộng về mọi mặt, mang một diện mạo hoàn toàn mới. Sau quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết cũng từng bước được triển khai.
Một sự công phu
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tich Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện công phu và bài bản cho một đô thị hiện đại với khoảng 10 triệu dân, nhằm mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.
Về quy mô đất đai, đến năm 2030, đất dành cho xây dựng chiếm khoảng 30% diện tích tự nhiên, là 94.700ha. 70% diện tích đất tự nhiên còn lại của TP. Hà Nội được dành cho không gian xanh. Trên cơ sở quy hoạch chung, Hà Nội đã triển khai quy hoạch khu đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, cũng như các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để phục vụ công tác xây dựng và quản lý đô thị. Đặc biệt, trong năm vừa qua, Hà Nội đã huy động được đội ngũ tư vấn nhiều kinh nghiệm để làm quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050
Đồng thời, thành phố đã phối hợp với các Bộ, ngành chức năng để triển khai thiết kế quy hoạch hệ thống giao thông đô thị, hệ thống mặt nước, cây xanh, hệ thống giáo dục, y tế... Hà Nội đang triển khai quy hoạch xây dựng nhiều dự án quan trọng như xây dựng công viên, trong đó có 1-2 công viên cỡ Disneyland với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng (công viên Kim Quy ở Đông Anh). Việc triển khai trồng 1 triệu cây xanh cũng là cố gắng của thành phố.
Ông Trần Ngọc Chính cho biết: "Mặt khác, Hà Nội cũng chú trọng phân loại, quản lý di sản kiến trúc tốt hơn; tập trung thiết kế một số tuyến đường quan trọng như Tràng Thi, Tràng Tiền, Điện Biên Phủ và khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm; quy hoạch Đại lộ Võ Nguyên Giáp từ cầu Nhật Tân đến Sân bay Nội Bài để sắp xếp các dự án trên tuyến đường này nhằm phục vụ cho sự phát triển cửa ngõ Thủ đô. Hà Nội cũng triển khai các vấn đề về cấp, thoát nước, chú trọng công tác xử lý kỹ thuật những trạm bơm lớn, nạo vét các sông, hồ, khơi thông dòng chảy, làm đẹp cảnh quan để tạo môi trường tốt hơn...".
Cũng theo ông Chính, để thực hiện được những hạng mục của quy hoạch chung Hà Nội như trên, kỷ cương và văn minh đô thị những năm vừa qua được thực hiện rất quyết liệt.
Ông Trần Ngọc Chính nói: "Tôi đánh giá cao việc xây dựng quy chế quản lý những khu đô thị quan trọng như khu Ba Đình lịch sử, khu phố cũ, phố cổ, khu vực hồ Tây và một số khu đô thị khác. Rõ ràng việc xây dựng những quy chế đó đã đem lại những kết quả bước đầu như tổ chức triển khai phố đi bộ quanh Hồ Gươm vào cuối tuần. Không gian đi bộ quanh Hồ Gươm được nhân dân cả nước và du khách quốc tế nhiệt liệt hưởng ứng, làm nổi bật nét sinh hoạt văn hóa, văn minh của Thủ đô".
Việc Hà Nội đã đưa ra quy định về chiều cao của các công trình xây dựng ở khu vực lịch sử nội đô là quyết tâm lớn nhưng cần hạn chế vấn đề mật độ xây dựng nhà cao tầng ở khu vực này. Những vấn đề về hệ thống biển hiệu quảng cáo, trật tự giao thông đô thị như quản lý vỉa hè đã được triển khai và mang lại những hiệu quả bước đầu. Chẳng hạn như việc quy hoạch vỉa hè, đồng bộ thiết kế biển quảng cáo trên đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) đã tạo nên hình ảnh đường phố kiểu mẫu để rút kinh nghiệm cho những tuyến đường khác. Việc đánh giá, quy hoạch, phân loại và đầu tư cho bãi đỗ xe cũng được chú trọng triển khai...", ông Chính nói thêm.
Chưa thực hiện nghiêm túc quy hoạch
5 năm sau khi Quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt, người dân lại dễ dàng phát hiện ra những hệ lụy của quá trình đô thị hóa: thiếu không gian công cộng, thiếu không gian xanh, thiếu không gian mặt nước. Hà Nội không chỉ quá tải ở các quận nội đô, mà ở vùng ven vành đai 3 cũng dần trở nên quá tải. Trong các giờ cao điểm, Hà Nội bị bủa vây bởi tình trạng tắc nghẽn giao thông. Nhiều con đường ở Hà Nội trở nên chật hẹp, kẹt cứng cả những con đường khi khánh thành được kỳ vọng sẽ mang đến sự bề thế, hiện đại cho Hà Nội như đường Lê Văn Lương với 6 làn xe, mặt cắt 40m, vỉa hè rộng 10m, tốc độ xe thiết kế 80km/h.
Không chỉ tắc nghẽn giao thông, ngập úng cũng là vấn đề rất nhức nhối. Vì sao chỉ sau 5 năm, Hà Nội lại như chưa hề có quy hoạch chung tầm cỡ?
Giải đáp về vấn đề này, theo ông Trần Ngọc Chính, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thì các đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Sóc Sơn, Hòa Lạc, Phú Xuyên, Xuân Mai chưa bị đô thị hóa nhanh nên vẫn giữ được không gian mặt nước và cây xanh. Tuy nhiên, khu vực đô thị hạt nhân đã phải chịu sức ép rất lớn bởi mật độ xây dựng dày đặc dẫn đến giao thông tắc nghẽn, mưa lớn là ngập úng, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, việc quy hoạch để đưa một phần các cơ quan, bệnh viện, trường đại học ra ngoài nội đô không được thực hiện quyết liệt, thậm chí còn xây thêm công trình nên càng gây nên áp lực về hạ tầng đô thị cho khu vực trung tâm.
Khi xảy ra "vấn đề" với đô thị, nhiều người bày tỏ sự hoài nghi về tính quy mô của quy hoạch chung. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Chính cho rằng, để tình trạng như trên xảy ra là do chúng ta chưa thực sự nghiêm túc thực hiện đúng với quy hoạch và quy chế quản lý đã được phê duyệt.
Ông Trần Ngọc Chính nói: "Phải có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thực sự cụ thể với việc quản lý xây dựng nhà cao tầng, cũng như các dự án cần di chuyển phải được quản lý tốt để tạo nên một môi trường cảnh quan kiến trúc, công viên, cây xanh, công trình cộng đồng để phục vụ đô thị theo quản lý quy hoạch".
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet