7 quy tắc đàm phán giá cả khi đầu tư nhà phố thời sốt đất
Khi mua nhà phố, nhà đầu tư có thể bị thiệt hại tiền tỷ nếu ngã giá qua loa do giá bán nhà phụ thuộc nhiều vào cảm xúc của gia chủ.
Bí quyết tránh mất tiền khi đầu tư nhà phố
Với 10 năm kinh nghiệm nắm giữ vị trí quản lý, giám đốc marketing, giảng dạy về bán hàng cho các doanh nghiệp địa ốc và hàng tiêu dùng tại Tp.HCM, ông Trần Minh Quang cho biết, người đầu tư nhà phố sẽ chịu thiệt thòi lớn nếu không biết vận dụng nghệ thuật đàm phán.
Thay vì kiên nhẫn mặc cả, không ít nhà đầu tư chỉ áng chừng, chốt hạ một mức giá vừa túi tiền của mình. Đây không phải là một giải pháp tối ưu. Vì kiến thức chuyên môn không đủ nên nhiều nhà đầu tư khá dè dặt khi đàm phán. Trong cơn sốt đất, chính tâm lý e ngại sợ vuột mất căn nhà ưng ý đã khiến bên mua không bước vào cuộc ngã giá sòng phẳng.
Trước những rào cản tâm lý này, ông Trần Minh Quang đã chỉ ra 7 bước để nhà đầu tư dễ dàng thực hiện một cuộc ngã giá nhà phố.
Bước 1: Nhà đầu tư đừng quá quan tâm đến độ nóng của cơn sốt đất và đừng ngại đi chậm hơn một nhịp. Bên mua hãy cứ thong thả xem những căn nhà mục tiêu mà chưa vội đưa ra một mức giá.
Bước 2: "Ném đá dò đường". Nếu chưa thẩm định được giá, người mua nên hỏi những căn nhà tương tự về vị trí và kết cấu. Nếu có sự chênh lệch lớn thì đó là do cảm xúc, lòng tham của chủ nhà muốn bán được giá cao khi cơn sốt đất đang diễn ra. Người mua nên tự định giá thấp hơn căn nhà tương tự và gợi ý bên bán chia sẻ thông tin. Người mua không nên giao cho người bán nhiệm vụ chứng minh sự khác nhau giữa hai bất động sản này.
Khi cơn sốt đất diễn ra, không vận dụng nghệ thuật đàm phán giảm giá khi đầu tư nhà phố là một thiệt thòi lớn cho bên mua. Ảnh: Lucas Nguyễn |
Bước 3: Dựa trên lịch sử mua nhà phố trước đó, người mua nên nhẩm tỷ lệ trượt giá hàng năm (tại Việt Nam là khoảng 10%) để sàng lọc.
Bước 4: Nhà đầu tư nên trả giá bằng nguyên tắc khuyến mãi. So với giá chào, mức giảm giá nằm trong ngưỡng 10-35%. Người mua nên đè giá ở biên độ lớn nhất có thể.
Bước 5: Nếu đè giá không thành, bên mua nên thể hiện rằng mình không thể mua nổi vì giá còn quá cao và tiếp tục đề nghị giảm giá.
Bước 6: Đề nghị mỗi bên nhường một bước, trả thêm một chút từ cột giá đã đè xuống. Chẳng hạn, so với giá chào bán, gia chủ chỉ đồng ý giảm 10 đồng còn bên mua chỉ đồng ý thêm 10 đồng vào giá đã đè xuống. Cụ thể, nếu giá chào bán căn nhà là 2 tỷ đồng, gia chủ đồng ý bán giá 1,9 tỷ đồng, bên mua ngã giá 1,65 tỷ đồng. Áp dụng nguyên tắc này, bên mua tăng thêm 100 triệu đồng, lên mức 1,75 tỷ đồng để thuyết phục bên bán.
Bước 7: Nếu hai bên đều không vừa ý về mức giá, nhà đầu tư nên áp dụng quy tắc ngã giá trung bình. Mức giá đưa ra thuận mua vừa bán sẽ là giá cuối cùng của bên mua và bên bán cộng lại chia đôi. Chẳng hạn, bên mua trả giá 1,75 tỷ đồng, bên bán đề nghị 1,9 tỷ đồng thì giá trung bình là 1,825 tỷ đồng.
Nếu đã áp dụng đến quy tắc thứ bảy, bên mua nên giữ thái độ vui vẻ, cởi mở, bày tỏ thiện chí trong việc đàm phán. Nếu nhà đầu tư ngầm chứng minh được thiện chí với mục đích đôi bên cùng có lợi thì coi như việc ngã giá đã thành công.
Cũng theo ông Quang, những cơn sốt đất liên tục xảy ra đã đẩy giá nhà phố không ngừng leo thang trong 3 năm qua. Vì vậy, chỉ có người mua lầm chứ ít khi người bán bị hớ. Việc mặc cả khi đầu tư nhà phố chính là việc kiểm tra độ biến thiên của mức giá thuận mua vừa bán.
Với những căn nhà phố nhỏ, giá 2-3 tỷ đồng, mức giá có thể giảm được chỉ khoảng vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, với những tài sản lớn, nhà phố giá 5-10 tỷ đồng, việc mặc cả thành công có thể giúp tiết kiệm được bạc tỷ, tránh thất thoát dòng vốn lớn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet