7 cơ sở pháp lý ít người biết về dự án thế chấp ngân hàng
Theo ông Phạm Ngọc Liên, giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) thì dự án đang thế chấp ở ngân hàng không có nghĩa là tài sản của người dân bị đe doạ nhưng là thông tin hữu ích để phòng ngừa rủi ro.
Tại buổi gặp mặt báo chí chiều 29/7, ông Liên cho biết sau sự cố chung cư Harmona bị cắm ở nhà băng khiến cư dân hoang mang, vấn đề minh bạch thông tin trở nên cấp thiết. Thực trạng đó khiến UBND Tp.HCM chỉ đạo lập một tổ liên ngành tiến hành rà soát diễn biến thế chấp của các dự án nhà ở để công bố rộng rãi cho người dân. Được sự uỷ quyền của Sở Tài nguyên Môi trường thành phố, ông Phạm Ngọc Liên dành nhiều giờ đồng hồ giải thích hàng loạt cơ sở pháp lý xung quanh vấn đề này.
Thứ nhất: Việc công bố danh sách 77 dự án thế chấp tại ngân hàng vừa qua dựa trên các quy định của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Theo đó, luật quy định chủ đầu tư trước khi thực hiện việc bán nhà hình thành trong tương lai hay huy động vốn (ứng trước tiền của người mua) phải được sự xác nhận của cơ quan liên quan (Sở Xây dựng). Danh sách các dự án đủ điều kiện huy động vốn tại thị trường TP HCM tính đến ngày 8/6/2016 là cơ sở để Văn phòng đăng ký đất đai thành phố thống kê danh sách 77 dự án đang thế chấp tại ngân hàng. Danh sách này chắc chắn chưa phản ánh đầy đủ tình trạng thế chấp dự án của doanh nghiệp trên địa bàn và sẽ còn được cập nhật thêm.
Thứ hai: Dữ liệu các dự án thế chấp được lọc từ sổ đăng ký, đơn đăng ký và hồ sơ thế chấp của doanh nghiệp và cá nhân đang tham gia hoạt động đầu tư kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai. Những thông tin này còn đơn giản, chỉ có thông tin tài sản thế chấp, bên thế chấp, bên nhận thế chấp. Mục đích thế chấp không phản ánh trong hợp đồng thế chấp nên thông tin này còn bỏ ngỏ. Sau khi Sở Tài nguyên Môi trường cung cấp thông tin ban đầu, các sở ngành liên quan như: Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM sẽ cùng phối hợp hoàn thiện những thông tin chi tiết còn thiếu trong những đợt công bố tiếp theo.
Chủ đầu tư dự án Petro Vietnam Landmark đã "cắm" dự án ở ngân hàng trong khi thu hết tiền của cư dân mà chưa tiến hành giải chấp trong quá trình khởi kiện tại toà hồi năm 2015. Tuy nhiên, dự án này không có tên trong danh sách 77 dự án thế chấp tại ngân hàng. Ảnh: Vũ Lê |
Dự án Petro Vietnam Landmark bị lật tẩy chủ đầu tư đã "cắm" dự án ở ngân hàng trong khi thu hết tiền của cư dân mà chưa tiến hành giải chấp trong quá trình khởi kiện tại toà hồi năm 2015. Tuy nhiên, dự án này không có tên trong danh sách 77 dự án thế chấp tại ngân hàng. Ảnh: Vũ Lê |
Thứ ba: Doanh nghiệp thế chấp dự án là hoạt động bình thường, hợp pháp. Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, do nhu cầu cần nguồn vốn lớn để thực hiện dự án, doanh nghiệp được phép tiến hành huy động vốn qua nhiều kênh, trong đó có thế chấp tài sản tại ngân hàng để vay vốn, đây là quyền tài sản của doanh nghiệp được pháp luật công nhận. Thủ tục đăng ký thế chấp được cập nhật tại 2 cơ quan. Thứ nhất là trung tâm đăng ký tài sản để cập nhật việc thế chấp tài sản. Thứ hai là văn phòng đăng ký đất đai để cập nhật thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Lịch sử thế chấp dự án cũng được cập nhật thường xuyên, bao gồm cả khi doanh nghiệp tiến hành rút bớt tài sản về.
Thứ tư: Có nhiều mục đích thế chấp dự án tại ngân hàng. Có thể kể các mục đích sau: thế chấp để vay vốn phát triển dự án, xây dựng các công trình hạ tầng, nhà ở, thực hiện quy định về bảo lãnh ngân hàng khi bán nhà hình thành trong tương lai. Dù vì bất cứ mục đích nào, doanh nghiệp đều dùng một phần hoặc toàn bộ dự án ra để thế chấp. Ngân hàng thương mại nhận thế chấp là đơn vị giám sát dòng tiền và kiểm tra chính xác mục đích thế chấp.
Thứ năm: Các dự án đang thế chấp đặt ra một số vấn đề đối với chủ đầu tư và người mua nhà. Đầu tiên là khi đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, ngay khi bán căn hộ đầu tiên cho người mua, doanh nghiệp phải làm thủ tục rút bớt tài sản trong ngân hàng ra. Điều này tránh việc thế chấp căn hộ 2 lần.
Lưu ý tiếp theo là việc thế chấp mà chưa rút tài sản ra (giải chấp) sẽ ảnh hưởng đến thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Theo quy trình, chủ đầu tư phải mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ quan cấp giấy. Lúc này giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không còn là tài sản riêng của chủ đầu tư nữa. Chủ đầu tư phải làm thủ tục giảm trừ số căn hộ, tài sản đã bán.
Thứ sáu: Không thể căn cứ vào danh sách các dự án thế chấp đã công bố để phân loại trường hợp nào là nguy hiểm hay an toàn. Để xác định được điều này, cần có sự phối hợp hỗ trợ thông tin của nhiều cơ quan liên quan như: Sở Xây dựng (rà soát tính pháp lý của công trình trong lĩnh vực xây dựng, chẳng hạn như có xây trái phép hay sai phép hay không, đủ điều kiện hoàn công để cấp giấy chứng nhận hay chưa) và Ngân hàng Nhà nước (cập nhật từ hệ thống các ngân hàng thương mại để rà soát nợ xấu từ những dự án này).
Tuy nhiên, trên thị trường ghi nhận được, đối với những dự án thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất xử lý thuận lợi hơn là thế chấp bằng quyền tài sản.
Thứ bảy: TP HCM là địa phương tiên phong trong việc cung cấp thông tin dự án đang thế chấp ngân hàng trên địa bàn. Việc cung cấp thông tin dự án thế chấp được thực hiện bằng 2 hình thức. Một là công khai trên website theo chỉ đạo của UBND Tp.HCM. Hình thức thứ hai là người dân có quan tâm thì chủ động đến Văn phòng đăng ký đất đai thành phố và các chi nhánh để yêu cầu cung cấp thông tin. Đây là quyền được tiếp cận thông tin của người dân.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet