5 "nút thắt cổ chai" khiến giao thông Hà Nội thêm rối loạn
Giải Phóng, Trường Chinh, Văn Cao, Nguyễn Văn Huyên... là một số tuyến đường tồn tại những nút thắt giao thông "nổi tiếng" từ nhiều năm qua. Tại đây, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.
Một số nút thắt giao thông tại Hà Nội khi nhìn từ trên cao
Một "điểm đen" giao thông từ nhiều năm nay tại Hà Nội là nút giao Linh Đàm (Nguyễn Hữu Thọ) với đường Giải Phóng |
Tại đây, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng thường xuyên xảy ra. Gần 20 năm qua, từ khi khu đô thị Linh Đàm được hoàn thành, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ dù chỉ dài hơn 1km nhưng đã tạo nên nút thắt cổ chai do 200m đường cuối không được hoàn thành.
Nút thắt này tồn tại do 200m đường còn lại với diện tích hơn 3.600m2 của 8 hộ dân và công sở chưa đồng thuận di dời |
Vào giờ cao điểm, nút thắt cổ chai này thường xuyên bị ùn tắc |
Một số chuyên gia cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do các nhà đầu tư, xây dựng đô thị không tính toán đến phương án mở rộng vùng lưu thông khi tập trung dân cư đông đúc.
Một chuyên gia phân tích: "Bên cạnh đó, việc bỏ dở công trình giao thông mà chỉ chú trọng hoàn thành các hạng mục nhà ở, chung cư cao tầng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này".
Để giải quyết ùn tắc, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở đang tiến hành lập dự án "Cải tạo, mở rộng nút giao Giải Phóng - Hoàng Liệt", dự kiến sẽ thi công dứt điểm trong năm nay.
Tại quận Cầu Giấy, con đường Nguyễn Văn Huyên dài hơn 1km từng giữ kỷ lục về độ "đắt đỏ". Khi đến đoạn nối ra Hoàng Quốc Việt, con đường to đẹp với 2 làn xe bỗng thu hẹp chỉ còn một làn, hình thành nên nút thắt cổ chai "nổi tiếng" cả thập kỷ qua. |
Phần khoanh đỏ là những ngôi nhà thuộc diện giải phóng mặt bằng. Do phương án đền bù chưa đạt được sự đồng thuận nên đoạn đường này đã bị lãng quên, khiến tình trạng ùn ứ thường xuyên diễn ra vào những giờ cao điểm. |
Một trong những điểm nóng khác về ùn tắc giờ cao điểm là ngã tư Thụy Khuê, Văn Cao (Ba Đình, Hà Nội). Tại đây chưa có đèn tín hiệu giao thông, đường hẹp trong khi vỉa hè rộng gấp đôi, dòng phương tiện qua lại thường xuyên xung đột nhau. |
Do chưa giải phóng được mặt bằng, các tuyến đường bị lệch nhau, đoạn to, đoạn nhỏ, tạo thành nút giao lệch |
Thậm chí, để giải tỏa ùn tắc, lực lượng chức năng còn phải cho các phương tiện đi thành 3 làn xe ngược chiều |
Con đường Trường Chinh uốn lượn |
Được khởi công tháng 10/2013, dự án đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (đường Trường Chinh) từng gây chú ý vì con đường đang thẳng bỗng biến thành cong. Dự án được chia thành 3 đoạn. Trong đó, đến nay, 2 đoạn từ ngã tư Tôn Thất Tùng đến ngã Tư Vọng (1,3km) đã được hoàn thiện.
Riêng đoạn từ Ngã Tư Sở đến Tôn Thất Tùng do công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc nên đã thành nút thắt cổ chai.
Giao thông tại đây luôn rơi vào cảnh rối loạn và bế tắc vào giờ cao điểm. |
Nhánh đường về phía bệnh viện Bạch Mai bị án ngữ bởi hàng chục ngôi nhà |
Cũng nằm trong dự án này, đoạn từ Sông Lừ đến Ngã Tư Vọng với chiều dài hơn 500m cũng chỉ đạt trên 90% tiến độ sau 4 năm thi công. Nhánh đường về phía bệnh viện Bạch Mai bị án ngữ bởi hàng chục ngôi nhà.
Phó chủ tịch UBND Quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp cho biết, trước đây, đa phần người dân ở tổ 43, phường Phương Mai có khiếu kiện liên quan đến chỉ giới và không muốn chuyển đi. Họ phản đối vì cho rằng phạm vi mở nút giao thông chưa đúng với quy hoạch.
Đối thoại với dân, chính quyền và các bên liên quan đã giải thích rõ quy hoạch mở đường đã được phê duyệt từ nhiều năm trước đó và đúng quy định. Và đến nay, người dân cơ bản đã chấp thuận với phương án đưa ra.
Ông Giáp cũng cho biết, về giá đất để thực hiện đền bù, quận đã rà soát và cập nhật theo khung mới, điều chỉnh lên mức 82 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, việc chi trả bị chậm trễ do UBND TP. Hà Nội đang trong quá trình sắp xếp lại các Ban quản lý dự án và chưa bàn giao cho đơn vị nào quản lý.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet