5 kinh nghiệm chọn đất để xây nhà thuận lợi, tiết kiệm, ít rủi ro
Bước đầu tiên để chuẩn bị cho quá trình xây dựng và hoàn thiện ngôi nhà mơ ước chính là chọn mua đất. Làm sao để chọn được mảnh đất ưng ý, giúp quá trình thi công được suôn sẻ, gia đình an cư lạc nghiệp sau này là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn. Cùng tham khảo những kinh nghiệm chọn đất xây nhà chuẩn xác, tối ưu được chia sẻ trong bài viết dưới đây.
Để xây nhà thuận lợi và tiết kiệm chi phí nhất có thể, người xây nhà cần xem xét đến rất nhiều yếu tố. Trong đó, chọn được một mảnh đất tốt đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát được những chi phí liên quan, giúp quá trình xây nhà và sinh sống sau này được thuận lợi, suôn sẻ. Dưới đây là 5 kinh nghiệm chọn đất xây nhà nhìn từ góc độ xây dựng do kiến trúc sư của công ty Kiến trúc Xây dựng Song Phát chia sẻ với độc giả Batdongsan.com.vn:
1. Tìm hiểu pháp lý của mảnh đất
Tìm hiểu pháp lý của mảnh đất định mua sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro có thể phát sinh sau này.
Để chọn được mảnh đất tốt, bạn cần dành thời gian tìm hiểu kỹ càng, không nên hấp tấp, nóng vội kẻo gặp phải những rủi ro, thiệt hại không đáng có. Đặc biệt, tìm hiểu pháp lý của mảnh đất dự định mua là điều không thể bỏ qua. Theo quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai. Để xây nhà, bạn cần mua đất thổ cư vì đây là loại đất được phép ở, xây dựng nhà cửa, các công trình xây dựng cho đời sống xã hội. Trong khi đó, đất nông nghiệp được hiểu đơn giản là loại đất chỉ được phép sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp như trồng cây hoa màu, nuôi trồng thủy hải sản, lương thực, thực phẩm, không được phép xây dựng nhà ở. Nếu muốn xây nhà ở, đất nông nghiệp phải được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư mà việc này thường khá khó khăn, tốn kém không ít công sức, thời gian, chi phí.
Ngoài ra, trước khi quyết định mua, bạn cần biết rõ mảnh đất đó có thuộc diện giải tỏa, quy hoạch của dự án nào không để tránh những rắc rối, rủi ro về sau.
2. Xem xét chất lượng đất
Khi chọn đất cất nhà, nên chọn mua nền đất thịt, đất sét hoặc đất cát, tránh các loại đất nhão, đất địa tầng yếu hoặc đất ở khu vực dễ ngập úng, gần mạch nước ngầm, dễ bị sạt lở, sụt lún,… Khi xây nhà trên những nền đất yếu như thế này, bắt buộc phải gia cố móng để đảm bảo sự chắc chắn, an toàn cho ngôi nhà, gây phát sinh thêm nhiều chi phí tốn kém. Trong trường hợp bạn đã lỡ mua phải nền đất yếu, lúc xây móng nhà cần gia cố thật chắc chắn, đảm bảo cho cả nhu cầu về sau để khi chồng thêm tầng, xây thêm phòng cũng không phải làm lại móng nữa.
Bên cạnh đó, nền đất phải cao hơn mặt đường. Nếu mua đất thấp hơn, bạn sẽ phải tốn chi phí nâng nền để tránh ngập nước khi mùa mưa đến.
3. Lưu ý khi mua đất trong hẻm
Hẻm quá nhỏ sẽ khiến quá trình xây nhà gặp nhiều khó khăn, phát sinh chi phí.
Đất có mặt tiền đường lớn, thích hợp mở cửa hàng kinh doanh thường có giá rất cao. Đa phần người định xây nhà ở, với ngân sách không quá lớn sẽ tìm đất trong hẻm để phù hợp với túi tiền. Tuy nhiên, khi chọn mua đất trong hẻm, bạn phải chú ý về độ rộng của hẻm, không nên chọn hẻm quá nhỏ, sẽ gây khó khăn, tốn kém cho quá trình xây nhà sau này. Trong khi hẻm rộng trên 4m có thể dễ dàng ép cọc tải bê tông cốt thép thì hẻm từ 1,6 - 4m chỉ có thể ép cọc neo. Với hẻm nhỏ hơn 1,6m, chỉ có thể làm móng băng.
>> Những loại móng cơ bản nhất định phải biết trước khi xây nhà
Hẻm càng nhỏ sẽ càng khó bố trí chỗ tập kết vật tư, tốn thêm chi phí vận chuyển vật tư đến địa điểm thi công. Đơn cử như việc đổ bê tông, xây nhà trong hẻm quá nhỏ sẽ không thể đổ bê tông tươi hay bê tông thương phẩm, tốn nhân công vận chuyển, thời gian thi công cũng kéo dài hơn.
4. Không mua đất diện tích quá nhỏ
Nếu tài chính không dư dả, bạn nên cân nhắc tìm đất ở khu xa trung tâm thay vì mua đất diện tích quá nhỏ trong nội thành.
Diện tích đất dưới 30m2 sẽ rất bất tiện khi thiết kế, khó bố trí công năng để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Với diện tích nhỏ như thế này, mỗi tầng chỉ được xây một phòng ngủ và phòng tắm riêng, nhưng phòng ngủ sẽ không tránh được chật chội, bất tiện sinh hoạt. Bên cạnh đó, một ngôi nhà dù nhỏ cũng phải cần các hạng mục thi công lớn như hố móng, bể tự hoại, cầu thang, ban công,… Chi phí xây dựng chia theo m2 cũng tăng lên để đảm bảo chi phí cho nhà thầu.
Nếu không đủ tài chính để mua đất có diện tích lớn, bạn nên cân nhắc mua đất ở xa trung tâm để xây nhà hoặc mua căn hộ chung cư cho thuận tiện sinh hoạt, tránh những bất cập về sau.
5. Lưu ý khi mua đất có sẵn nhà cũ
Nếu mua đất có sẵn nhà cũ, nhà nát, bạn nên tìm những ngôi nhà cấp 4 và có tường riêng. Với nhà cấp 4, việc tháo dỡ sẽ rất dễ dàng, không cần xin giấy phép, không tốn nhiều công sức, chi phí tháo dỡ. Cần quan sát kĩ nhà cũ, nếu có vách chung, tường chung với nhà bên cạnh thì sẽ khó tháo dỡ, vì không thể bỗng dưng đập bỏ tường nhà người khác. Nếu bạn xây tường gạch ống riêng, bề dày 100mm hay 200mm cho ngôi nhà của mình thì diện tích sử dụng thực tế sẽ bị thu hẹp.
Tư vấn thông tin và hình ảnh: Kiến trúc Xây dựng Song Phát
Biên tập: Hương Liên
>> Cách xây nhà tiết kiệm chi phí nhất: 5 kinh nghiệm không phải ai cũng biết
>> Chi phí xây nhà phát sinh là do đâu?
>> Quy trình xây nhà từ A-Z và những kinh nghiệm đắt giá cho người sắp xây nhà
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet