Bất động sản nghỉ dưỡng với tâm điểm là condotel đã chứng kiến sự bùng nổ trong giai đoạn 2016-2017. Loại hình này dù chỉ mới xuất hiện từ năm 2013 nhưng có vai trò quan trọng đối với mục tiêu phát triển du lịch và kinh tế của cả nước. Nhiều nhà đầu tư thậm chí đã phải xếp hàng để mua chênh condotel.

Số liệu của CBRE cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, Phú Quốc, Khánh Hòa trong năm 2017 lần lượt là 5,5%, 27% và 35%. Tuy nhiên, con số này trong năm 2018-2019 đã giảm lần lượt còn 2,6%, 7,3% và 0,9%.

bất động sản nghỉ dưỡng với hàng loạt công trình cao tầng nằm ven biển khi nhìn từ trên cao
Thị trường condotel năm 2019 chứng kiến cú sốc lớn sau vụ việc tại dự án Cocobay Đà Nẵng

Tình hình condotel năm 2019 cũng không khá khẩm hơn. Về nguồn cung, số liệu của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, lượng cung condotel mới trong quý 3/2019 giảm gần 50% so với quý 1, đạt 3.680 sản phẩm. Đặc biệt, cuộc thoái trào càng thể hiện rõ tại hai thị trường trọng điểm là Đà Nẵng và Nha Trang khi tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 20-30% lượng hàng tung ra.

Nguồn cung tại các thị trường truyền thống sụt giảm khiến những thị trường mới nổi, có kết nối thuận tiện như Hạ Long, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận gia tăng mạnh nguồn cung mới trong năm 2019.

Nguyên nhân của sự trầm lắng được cho là do những vướng mắc về pháp lý dự án, quỹ đất, đặc biệt là sự rà soát, kiểm tra chặt chẽ về quy trình cấp phép và xây dựng. Đặc biệt, condotel đến nay vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng và chưa có sự đồng nhất giữa các địa phương. Hiện chưa có dự án condotel nào được cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản. Những giấy chứng nhận được cấp cho condotel trước đây đều được thu hồi và cơ sở pháp lý do địa phương tự “sáng tác” ra.

Thị trường nghỉ dưỡng năm 2019 còn gặp khó trước động thái thắt chặt tín dụng vào bất động sản. Mức cam kết lợi nhuận cao cùng những lo ngại về rủi ro pháp lý khiến các ngân hàng càng cẩn trọng hơn khi cho vay condotel. Thậm chí có những ngân hàng từ chối cho vay loại hình này.

Không dừng lại ở đó, cuối năm, thị trường càng thêm chao đảo khi Tập đoàn Empire - chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng thông báo không thể chi trả mức lợi nhuận 12% như đã cam kết với khách hàng.

Trước đó, việc chủ đầu tư dự án condotel thất hứa với khách hàng về lợi nhuận cam kết cũng đã từng xảy ra. Chẳng hạn tại dự án khách sạn Bavico Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), mức cam kết lợi nhuận lên đến 15%/năm nhưng chủ đầu tư chỉ trả đúng cam kết trong vài tháng đầu và sau đó xin giảm xuống còn 8%/năm.

Cú sốc xảy ra tại Cocobay đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại về hiệu ứng domino có thể xảy ra tại nhiều dự án khác, khiến phân khúc này bị tê liệt. Giới chuyên gia cho rằng, mức lợi nhuận phù hợp chỉ khoảng 6%.

Sự việc này cũng đã khiến rất nhiều khách hàng hoang mang, thậm chí thay đổi quyết định khi đã xem dự án và chuẩn bị ký hợp đồng. Cú sốc này đã đánh dấu thời kỳ xấu nhất của thị trường condotel từ trước đến nay.

Tuy nhiên, sóng gió có lẽ vẫn chưa dừng lại. Tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam VRES 2019 mới đây, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn dự báo năm 2020 sẽ là một năm khá khó khăn đối với condotel khi nhà đầu tư đang mất niềm tin vào loại sản phẩm này sau sự cố Cocobay. Thống kê của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá bán condotel đang có xu hướng giảm, nếu giá trung bình condotel cả nước trong năm 2018 là gần 40 triệu/m2 thì đến năm 2019 đã giảm 8%, còn 35 triệu/m2. Số liệu cũng cho thấy, thị trường Hà Nội đang có sự quan tâm rất lớn đối với condotel, chiếm 38,2%, sau đó là TP.HCM với 21%, còn lại là các khu vực khác. Tiềm năng của phân khúc này trong năm tới được đánh giá là kém hấp dẫn hơn chung cư, nhà phố, biệt thự và đất nền.

Phùng Dung (TH)

Link báo gốc: http://thanhnienviet.vn/2019/12/20/2019-nam-song-gio-cua-thi-truong-bat-dong-san-nghi-duong

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME