Hầu hết mọi người thường "quên mất" không gian dưới cầu thang khi thiết kế, bài trí nhà cửa. Tuy nhiên, chúng ta có thể tận dụng gầm cầu thang để bố trí các công năng khác nhau như kho chứa đồ, tủ quần áo, phòng vệ sinh, tủ rượu, góc làm việc hay thậm chí cả góc nấu nướng.

1. Làm vườn, tiểu cảnh

Không gian gầm cầu thang thường khiêm tốn, méo mó và thiếu sáng. Bạn có thể bố trí tiểu cảnh cây xanh hay làm một khu vườn nhỏ để khắc phục nhược điểm này, đồng thời đưa màu xanh thiên nhiên vào trong nhà. Căn cứ vào cấu trúc, độ dốc và độ hẹp của cầu thang để lựa chọn mẫu thiết kế vườn, tiểu cảnh cho phù hợp. Đó có thể là tiểu cảnh ướt với những hòn non bộ kết hợp thác nước chảy róc rách, tiểu cảnh khô với vài cây xanh, một ít sỏi trắng, hay đơn giản hơn chỉ là những chậu cây xanh nhỏ xinh xếp gọn gàng trên giá gỗ. Sắc xanh thiên nhiên sẽ giúp không gian sống thêm sinh động, bắt mắt hơn nhiều.

những chậu cây xanh đặt ở gầm cầu thang
Trang trí gầm cầu thang với cây xanh còn góp phần điều hòa không khí trong nhà.

2. Tận dụng gầm cầu thang làm tủ đựng đồ

Với những ngôi nhà sở hữu diện tích khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể bố trí thêm kho lưu trữ dưới gầm cầu thang. Hãy tận dụng không gian này bằng cách thiết kế những chiếc tủ âm tường lưu trữ quần áo, giày dép hay làm ngăn kéo để cất giữ những vật dụng trong nhà.

tận dụng gầm cầu thang với thiết kế tủ lưu trữ
Tủ lưu trữ được "may đo" riêng cho không gian gầm cầu thang. Không gian sống sẽ trở nên thoáng đãng và ngăn nắp hơn nhờ giải pháp cho không gian nhỏ hẹp này.

3. Tận dụng gầm cầu thang làm bếp

Bếp đặt dưới cầu thang là ý tưởng khá thú vị để tận dụng không gian thường được coi là góc chết này, nhất là với những ngôi nhà có diện tích nhỏ, cần các thiết kế sáng tạo để tối ưu không gian, vừa đáp ứng yêu cầu sử dụng, vừa đảm bảo thẩm mỹ. Việc lựa chọn bố trí bếp ở gầm cầu thang cần có tính toán tỉ mỉ với sơ đồ thiết kế phù hợp, đảm bảo các chức năng cơ bản của một phòng bếp thu nhỏ như vị trí để bồn rửa, tủ bếp, kệ đặt đồ gia dụng, gia vị… Đặc biệt, bạn sẽ cần cân nhắc bố trí tủ, kệ, các thiết bị từ phần thấp nhất dưới bậc cầu thang cho tới phần cao nhất của nóc gầm cầu thang. Vì vậy, ý tưởng thiết kế bếp dưới cầu thang chỉ phù hợp khi ngôi nhà có gầm cầu thang cao ráo, rộng rãi để đảm bảo thuận tiện cho quá trình nấu nướng, thoát hơi ẩm, thoát mùi và an toàn khi sử dụng nhiệt.

bếp được đặt dưới cầu thang
Thiết kế bếp dưới gầm cầu thang giúp nhà nhỏ thêm phần tiện nghi.

4. Hô biến gầm cầu thang thành văn phòng tại gia

Với những ai mong muốn có một chút riêng tư khi làm việc tại nhà nhưng lại không có phòng làm việc, học tập riêng biệt thì bàn làm việc kết hợp tủ lưu trữ được đo đóng riêng cho không gian gầm cầu thang là ý tưởng không tồi chút nào. Mặc dù không gian này tương đối nhỏ nhưng bù lại, nó được thiết kế dành cho riêng bạn, đáp ứng chính xác những gì bạn muốn. Một điểm cần lưu ý khi bố trí góc làm việc ở gầm cầu thang là hãy đảm bảo nguồn sáng hợp lý để bảo vệ đôi mắt.

phòng làm việc đặt dưới gầm cầu thang
Ai lại không thích một văn phòng làm việc nhỏ xinh nhưng tiện lợi ngay tại nhà như thế này?

góc làm việc ở gầm cầu thang
Thay vì phải hy sinh thêm một căn phòng riêng biệt làm văn phòng tại nhà, bạn có thể biến gầm cầu thang thành góc làm việc tiện lợi.

5. Thiết kế phòng vệ sinh dưới gầm cầu thang

Nếu gầm cầu thang đủ rộng để đặt toilet và bồn rửa thì tại sao bạn không thử biến nó thành phòng vệ sinh phụ để đảm bảo thuận tiện cho quá trình sinh hoạt của gia đình mình?

phòng vệ sinh dưới cầu thang
Với nhà phố nhỏ hẹp, phòng vệ sinh có thể được bố trí dưới gầm cầu thang tầng 1 vì vị trí này vừa tiết kiệm được diện tích, lại tối ưu được công năng.

Xét về mặt phong thủy, thiết kế phòng vệ sinh ở gầm cầu thang không được khuyến khích, song với những ngôi nhà sở hữu diện tích khiêm tốn thì việc tận dụng gầm cầu thang để giải quyết bài toán công năng và không gian sinh hoạt là vấn đề quan trọng hơn. Ngoài ra, mặt tiêu cực của phong thủy phòng vệ sinh dưới gầm cầu thang có thể được hóa giải phần nào bằng cách tạo không gian thông thoáng, bố trí cây xanh bên ngoài. Tuy nhiên, khi thiết kế nhà vệ sinh dưới gầm cầu thang, gia chủ cần lắp đặt thêm quạt hút mùi để hỗ trợ việc thông gió, đồng thời lựa chọn nội thất thật tối giản, thiết kế vuông vắn, gọn gàng để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ.

6. Tận dụng gầm cầu thang nhà ống làm giá sách

Một kệ gỗ đơn giản, tiện ích với những thanh gỗ xếp lên nhau tạo thành các ô vuông nhỏ là nơi để bạn bày biện những cuốn sách theo sở thích của mình để dễ dàng lựa chọn và tìm đọc. Đây là ý tưởng khá thú vị cho những gia đình ham đọc sách.

kệ sách dưới gầm cầu thang
Khoe khéo bộ sưu tập sách quý với giải pháp lưu trữ thông minh.

7. Làm góc vui chơi cho bé

Với những ngôi nhà nhỏ, việc bố trí không gian vui chơi riêng cho trẻ nhỏ không hề đơn giản chút nào. Lời giải cho bạn chính là hãy tận dụng chính khoảng không gian dưới gầm cầu thang. Bạn hoàn toàn có thể bố trí một không gian đủ rộng, lại an toàn cho các bé vui chơi ngay trong nhà. Nếu có thể, hãy lắp đặt thêm một cánh cửa tí hon dẫn vào căn phòng vui chơi giống như cánh cửa thần kì của Doraemon sẽ càng khiến bé thích thú hơn.

thiết kế phòng chơi ở gầm cầu thang
Căn phòng ẩn chứa nhiều điều bí mật nơi gầm cầu thang sẽ khiến các bé say sưa khám phá suốt cả ngày.

góc vui chơi cho bé dưới gầm cầu thang xoắn
Tận dụng gầm cầu thang xoắn làm góc vui chơi cho bé.

8. "Cất giấu" máy giặt

Những thiết bị điện cỡ lớn như máy giặt, máy sấy quần áo thường chiếm kha khá diện tích sàn quý giá. Nhiều gia chủ sở hữu những ngôi nhà nhỏ chỉ còn biết tặc lưỡi đặt tạm chúng trong phòng ngủ, phòng tắm. Tuy nhiên, với một chút kiến thức về đấu nối điện và cấp thoát nước là bạn đã có một nơi hoàn hảo để "giấu nhẹm" những món đồ cồng kềnh này rồi. Bạn sẽ không phải tốn công sức trang trí nhiều mà chỉ cần lắp thêm cánh cửa đóng mở thông thường là đủ.

máy giặt và máy sấy đặt trong gầm cầu thang
Bộ đôi máy giặt, máy sấy đặt gọn gàng trong không gian gầm cầu thang.

9. Góc ngủ nghỉ dưới gầm cầu thang

Có rất nhiều ý tưởng độc đáo, thú vị, giúp tối ưu được không gian một cách hoàn hảo cho phép bạn bố trí một góc nghỉ ngơi nhỏ xinh dưới gầm cầu thang và tạo nên sự khác biệt.

góc ngủ nghỉ dưới gầm cầu thang
Góc ngủ nghỉ tiện lợi ngay chân cầu thang cho phép bạn chợp mắt vài phút vào buổi trưa.

10. Biến gầm cầu thang thành quầy bar nhỏ xinh

Ngoài chức năng kết nối các tầng trong nhà, cầu thang còn là khu vực để gia chủ thỏa sức sáng tạo, tô điểm cho tổ ấm của gia đình mình. Chẳng hạn, bạn có thể tận dụng không gian trống dưới gầm cầu thang để bố trí quầy bar thu nhỏ, phục vụ cho những buổi tiệc tùng bên bạn bè, người thân.

quầy bar mini dưới gầm cầu thang
Quầy bar mini dưới gầm cầu thang là góc giải trí lý tưởng cho các thành viên trong gia đình và cả những vị khách ghé thăm nhà.

11. Làm kệ trưng bày

Khi gầm cầu thang được thiết kế ở vị trí dễ dàng trông thấy trong không gian chính của ngôi nhà, bạn nên tận dụng gầm cầu thang bố trí kệ, tủ trưng bày. Cách làm này vừa khắc phục được góc chết, vừa giúp bạn ghi điểm trong mắt những vị khách đến thăm nhà. Bạn có thể trưng bày những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc vui vẻ của cả gia đình, đồ lưu niệm hay bình hoa.

tủ trang trí gầm cầu thang
Tủ trang trí biến góc chết trở nên hữu dụng.

12. Thiết kế tủ rượu ở gầm cầu thang

Bạn là người có niềm đam mê với rượu ngoại hay muốn biến ngôi nhà trở nên hiện đại, sang trọng theo phong cách nội thất châu Âu, vậy thì việc cần làm là thiết kế một tủ rượu bắt mắt. Nếu diện tích nhà quá nhỏ thì vị trí phù hợp nhất cho thiết kế tủ rượu chính là gầm cầu thang.

tủ rượu dưới gầm cầu thang
Một tủ rượu nhỏ ngay dưới gầm cầu thang không chỉ làm tăng tính thẩm mỹ cho không gian sống mà còn là cách để gia chủ gây ấn tượng với những vị khách đến chơi nhà.

13. Làm tổ ấm cho thú cưng

Ngăn chặn những rắc rối mà thú cưng có thể gây ra mỗi khi bạn vắng nhà bằng cách thiết kế một tổ ấm gọn gàng dành riêng cho chúng ở dưới cầu thang.

phòng cho cún cưng dưới gầm cầu thang
Cún cưng của bạn sẽ có thêm nơi để nghỉ ngơi với ý tưởng thú vị này.

Lưu ý:

Để có thiết kế góc cầu thang đẹp mắt đòi hỏi gia chủ phải xác định được các chức năng mong muốn, từ đó tính toán diện tích, kích thước xem có phù hợp và thuận tiện hay không. Ngoài ra, phải đề cao yếu tố an toàn, tránh các rủi ro, ẩm ướt, chập cháy, nhất là khi thiết kế gầm cầu thang lắp ghép hay trong những ngôi nhà cũ. Việc cải tạo gầm cầu thang nếu cần phá dỡ hay thay đổi cấu trúc thì càng phải xem xét tỉ mỉ hơn.

Minh Châu (T.H)

Link báo gốc: http://thanhnienviet.vn/2019/11/28/13-y-tuong-tan-dung-gam-cau-thang-cuc-ky-sang-tao

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME