Mới đây, Yulia - một người dùng của trang web Bright Side đã chia sẻ với cộng đồng mạng về những trải nghiệm không như ý của mình sau một vài lần tự cải tạo nhà. Vốn yêu thích việc sắp xếp, cải tạo nhà cửa nên Yulia thường xuyên sửa cái này, thay cái kia với mong muốn nâng cấp không gian sống của mình. Tuy nhiên, có những lần cải tạo khiến cô cảm thấy bực bội vì tốn kém tiền của, công sức mà không đạt được hiệu quả mong muốn. Yulia quyết định chia sẻ câu chuyện về những sai lầm cải tạo nhà do chính cô và bạn bè, người thân từng mắc phải để cộng đồng mạng tham khảo, rút kinh nghiệm cho mình.

Dưới đây là 13 quyết định cải tạo nhà Yulia cho là sai lầm, mong muốn người khác không lặp lại:

1. Chậu rửa bát tròn

Chậu rửa bát tròn

Chậu rửa bát dạng tròn trở nên phổ biến trong nhà bếp vào những năm 90, gây ấn tượng với thiết kế khác lạ, có vẻ tiện lợi vì chậu có hình dạng tròn giống như những chiếc đĩa. Tuy nhiên, trên thực tế, loại chậu tròn thường có kích thước nhỏ hơn, không thể chứa được nhiều bát đĩa bằng chậu vuông. Sau những bữa ăn đông người với nhiều bát đĩa, nếu không thể rửa ngay, bạn sẽ phải để bát đĩa bẩn lên khắp mặt bàn bếp thay vì xếp gọn vào lòng chậu như với các loại chậu vuông rộng rãi, tiện lợi.  

2. Bồn tắm ở giữa phòng

Bồn tắm trong phòng tắm

Yulia kể cô đã mơ được sở hữu một chiếc bồn tắm đặt ở giữa phòng tắm suốt nhiều năm trời. Cô từng cho rằng thiết kế này trông rất hiện đại và thời trang. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu muốn đặt bồn ở giữa phòng, bạn cần có một phòng tắm thật rộng rãi vì nếu không, chiếc bồn sẽ "ngốn" hầu hết không gian, khó sắp xếp các món đồ cần thiết khác. Ngoài ra, nước bắn ra ngoài trong quá trình sử dụng sẽ đọng lại khắp nơi, không dễ lau chùi sạch sẽ trong không gian chật hẹp, vướng víu.

3. Tủ quần áo cửa trượt

Tủ một ngăn có cửa trượt

Đây cũng là một xu hướng nội thật khởi nguồn từ những năm 90 của thế kỷ trước, đặc biệt phổ biến trong các căn hộ diện tích nhỏ. Dù có vẻ tiết kiệm không gian, trên thực tế, cửa trượt có nhược điểm là thường không đóng khít hoàn toàn, để lộ đồ đạc trong tủ của bạn. Ngoài ra, thiết kế tủ có cửa trượt cũng đắt hơn các loại tủ quần áo thông thường dù tính ứng dụng không có gì vượt trội hơn hẳn.

4. Vòi nước dạng phẳng

Vòi rửa dạng phẳng

Yulia bật mí chiếc vòi này chính là thứ khiến cô cảm thấy bất mãn mỗi ngày. Với các vòi nước có thiết kế dạng ống tròn, những giọt nước bắn ra sẽ rơi khỏi vòi, xuống bồn rửa. Nhưng với chiếc vòi dạng phẳng này, nước sẽ đọng lại trên bề mặt vòi, dần bốc hơi và để lại ngững vết bẩn cứng đầu, khó tẩy rửa. Yulia từng háo hức mua loại vòi phẳng này về để thay chiếc vòi cũ rồi nhận ra mình đã mắc sai lầm chỉ sau 1 tuần sử dụng.  

5. Sàn nhà màu tối

Sàn nhà màu tối

Bất kể bạn sử dụng loại vật liệu lát sàn nào, thực tế vẫn là sàn màu tối dễ để lộ bụi bẩn hơn sàn màu sáng. Điều này nghe có vẻ phản trực giác nhưng sự thật vẫn là sàn và đồ nội thất tối màu thường làm phông nền khiến bụi bặm nổi bật hẳn lên. Nếu bạn quá bận rộn, không có thời gian lau chùi sàn nhà mỗi ngày thì tốt nhất là hãy nói không với sàn nhà tối màu!   

6. Chậu lavabo có vòi nước bên ngoài

Chậu lavabo có vòi bên ngoài

Thiết kế lavabo kiểu này trông khá thời thượng và hiện đại. Bạn có thể bày biện đủ thứ bạn thích như mỹ phẩm, nước hoa, nước rửa tay xung quanh lavabo. Vấn đề duy nhất là cái vòi nước. Trong quá trình sử dụng, nước và các loại bọt xà phòng không rơi thẳng vào bồn rửa như thông thường mà sẽ rơi rớt lung tung ra bên ngoài, khiến bạn tốn công sức dọn dẹp nhiều hơn. Sự háo hức ban đầu khi sở hữu chiếc bồn hiện đại, mới lạ sẽ nhanh chóng bị "đè bẹp" bởi cảm giác mệt mỏi, chán nản khi phải dọn rửa, lau chùi thường xuyên.

7. Nội thất bếp màu đen mờ

Nội thất bếp màu đen mờ

Nội thất nhà bếp màu đen mờ (matte black) đã phổ biến trên thị trường trong một thời gian khá dài. Những chiếc tủ lạnh, tủ bếp màu đen mờ trông rất sang trọng, thanh lịch nếu chỉ nhìn qua ảnh chụp. Còn trên thực tế, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Bạn sẽ sớm nhận ra dấu vân tay rất dễ lưu lại trên các bề mặt màu đen mờ và không dễ làm sạch. Chủ nhân của căn bếp trong ảnh trên cũng thừa nhận từ khi lắp đặt hệ thống tủ bếp đen mờ này, cô mất thêm nhiều thời gian dọn dẹp hơn hẳn.  

8. Sàn vải sơn có họa tiết

Sàn vải sơn linoleum họa tiết

Một người thân của Yulia đã mua vải sơn linoleum có họa tiết để lát sàn mà người bán hàng giới thiệu là “rất đáng tin cậy”. Nhưng sau đó, gia chủ nhận ra bụi bẩn dễ bám vào các họa tiết, bề mặt sàn rất khó làm sạch khiến căn hộ của người này trông lộn xộn hơn trước nhiều. 

9. Mặt bàn bếp gỗ tự nhiên

Bàn bếp gỗ tự nhiên

Lần đầu tiên nhìn thấy mặt bàn bếp bằng gỗ ở nhà một người quen, Yulia nghĩ đây là một giải pháp thiết kế tuyệt vời và độc đáo. Nhưng sau một thời gian quan sát, cô quyết định sẽ không bao giờ áp dụng thiết kế này cho căn bếp của mình. Mặt bàn bếp bằng gỗ nhìn trên tạp chí thì rất đẹp nhưng trong đời thực, gỗ vẫn là gỗ. Cho dù có cẩn thận đến đâu, bạn sẽ sớm nhìn thấy những vết xước, vết lõm dù nhỏ nhất trên mặt bàn bếp gỗ. Loại vật liệu này cũng cần chăm sóc đặc biệt, ít nhất mỗi năm một lần, bạn sẽ phải dùng dung dịch chuyên dụng để phủ lên bề mặt, tránh cho gỗ không bị khô, nứt.

10. Tủ, kệ bếp dạng mở

Giá, kệ bếp dạng mở

"Không còn các kệ đóng kín trên tường tức là sẽ có nhiều ánh sáng và không khí hơn" - những tuyên bố như thế này xuất hiện đầy rẫy trên các tạp chí thiết kế nội thất suốt nhiều năm nay. Những bức ảnh về tủ, kệ bếp dạng mở với những chiếc đĩa đẹp mắt, được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp thực sự trông rất hấp dẫn. Nhưng chỉ sau một vài tuần ở trong ngôi nhà có tủ bếp như vậy, bạn sẽ nhận ra rằng cần phải làm rất nhiều việc để sắp đặt tất cả chén, đĩa, đồ dùng nhà bếp một cách hoàn hảo. Thực tế là hầu hết mọi người sẽ không làm vậy, và những chiếc tủ, kệ dạng mở sẽ dễ dàng tiết lộ sự lộn xộn này cho tất cả những ai bước vào căn bếp.  

11. Cửa gỗ phối kính

Cửa gỗ có lớp kính ở giữa

Cửa gỗ phối thêm khe kính trông có vẻ thanh lịch hơn cửa toàn gỗ thông thường. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của bản thân, Yulia cho rằng những cánh cửa như vậy không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất. Bụi bặm thường len vào các khe kính này, khiến bạn mất thêm thời gian dọn dẹp. Ngoài ra, nếu ai đó ở bên ngoài bật đèn vào buổi tối, ánh sáng sẽ tràn vào phòng qua các khe kính này, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người trong phòng. Điều này đặc biệt khó chịu khi các bậc phụ huynh đang cố dỗ con ngủ mà có người vô tình bật đèn "phá đám".

12. Ron gạch bếp quá rộng

Ron gạch bếp quá rộng

Với những căn bếp có tường ốp gạch, những đường ron gạch quá rộng và sâu thường khiến gia chủ khó lau chùi, làm sạch hơn. Bụi bặm, dầu mỡ từ bếp nấu sẽ bám vào ron gạch, tạo thành những vết bẩn cứng đầu. Nếu định ốp gạch cho tường bếp, bạn hãy chọn gạch tấm lớn để làm ít ron hơn, đường ron cũng nên vừa phải để dễ dọn dẹp, vệ sinh sau này.

13. Quạt thông gió phòng tắm dùng chung công tắc với bóng đèn

Quạt thông gió phòng tắm

Hầu hết mọi phòng tắm đều có hệ thống thông gió. Khi Yulia sửa phòng tắm, cô không nhận ra rằng quạt thông gió được bật/tắt bằng công tắc dùng chung với bóng đèn. Khi phát hiện ra điều này, ban đầu, Yulia nghĩ đây là một ý kiến ​​hay - khi cần bật đèn, quạt cũng bật theo nên cô sẽ không bao giờ quên việc mở quạt thông gió để phòng tắm sớm khô ráo, thông thoáng. Tuy nhiên, đến mùa đông, cô mới thấy không phải lúc nào chúng ta cũng cần quạt thông gió. Ví dụ, khi tắm vào một ngày lạnh giá, bạn muốn phòng ấm áp nhưng cứ bật đèn là quạt cũng ngay lập tức thổi gió, khiến phòng lạnh đi nhanh chóng. Theo Yulia, tốt nhất là nên tách bạch quạt thông gió và bóng đèn thành hai công tắc riêng biệt để tiện sử dụng đúng với nhu cầu. 

Hương Liên

>> Sửa ngay 8 thói quen dọn dẹp nhà cửa bạn vẫn làm mỗi ngày nhưng "sai toét"
>> Nhà chưa thể sạch nếu bạn bỏ qua 14 chi tiết này khi dọn dẹp

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME