Vỡ mộng lướt sóng căn hộ
Hết thời bỏ vốn ít, lấy lời nhanh, nhà đầu tư lướt sóng căn hộ tại TP.HCM đang gặp khó khăn vì không ra được hàng với lợi nhuận kỳ vọng.
Tập tành đầu tư BĐS, anh Quốc Tuấn, một công chức làm việc tại quận 4 cho biết, chọn đầu tư lướt sóng căn hộ đang khiến anh gánh thêm gánh nặng tài chính. Cụ thể, thấy bạn bè và người quen lướt sóng chung cư chỉ một năm lời 250-300 triệu (khoảng 20% vốn bỏ ra), anh Tuấn cũng tham gia sân chơi này bằng cách lướt sóng 2 căn hộ. Một căn thuộc dự án tầm trung giá 1,7 tỷ tại khu vực quận 9, căn còn lại giá 1,1 tỷ nằm giáp ranh thành phố thuộc địa phận Dĩ An, Bình Dương. Khi đó, môi giới thuyết phục khách hàng chỉ cần đặt cọc giữ chỗ rồi có thể bán sang tay, kiếm chênh lệch và cam kết sẽ giúp ra hàng khi hoàn thành đóng 30% giá trị căn hộ.
Tuy nhiên, sau khi đóng được 30% giá trị hợp đồng, anh Tuấn không thể ra được hàng do thị trường giảm nhiệt. “Tôi đã đổ hơn 500 triệu vào căn hộ tại quận 9 và gần 300 triệu vào căn hộ tại Bình Dương. Theo tính toán thì nếu thị trường không tốt, ít nhất tôi cũng ra chênh được từ 50-70 triệu/căn. Tuy nhiên thực tế bên môi giới chào bán dự án này cho biết nhiều lắm chỉ lấy lời được 30 triệu với căn hộ Bình Dương. Dự án chung cư ở quận 9 thậm chí nếu ra giá gốc cũng chưa thể tìm được người mua ngay vì thị trường đang bão hòa”, anh Tuấn chia sẻ. Hiện nay do CĐT triển khai dự án chậm, nên gần 1 năm từ khi mua vào, anh vẫn chôn hơn 900 triệu tiền vốn tại 2 dự án và nếu ra được hàng thì lời không bằng lãi suất gửi ngân hàng.
Không chỉ thất vọng với mức lợi nhuận, nhiều nhà đầu tư còn chịu áp lực từ việc phải tiếp tục thanh toán khoản mua khi không ra được hàng như dự kiến. Anh Mạnh Hùng (Nguyễn Hồng Đào, quận Tân Bình) hiện đầu tư căn hộ tại khu Nam cho biết, do không ra được hàng nên giờ mỗi tháng anh đều phải đóng thêm gần 120 triệu đồng. Với thị trường trầm lắng như hiện nay, anh Hùng sợ sẽ khó bán ra có lời. “Môi giới cho biết phải đợi dự án xây dựng xong ít nhất 50-60% thì mới sang nhượng được. Còn hiện tại sẽ ít nhiều khó khăn. Nếu nhà đầu tư chấp nhận mức lời từ 20-30 triệu thì có thể tìm được khách mua, nhưng bỏ ra hàng trăm triệu trong gần 1 năm mà chỉ thu về được như vậy thì nhiều nhà đầu tư không cam tâm.”
Thị trường BĐS giảm nhiệt khiến việc lướt sóng căn hộ gặp nhiều
khó khăn. Ảnh minh họa: Phương Uyên
Xu hướng lướt sóng kiếm lời căn hộ tại TP.HCM ngày càng khó khăn, nhất là ở dòng sản phẩm căn hộ trung cấp giá từ 1,5-3 tỷ đồng. Những lời có cánh về việc bỏ vốn ít, kiếm lợi nhuận cao đã không còn đúng khi thị trường BĐS TP.HCM giảm nhiệt. Bất chấp thực tế nguồn cung mới hạn chế, lượng căn hộ đã và đang triển khai tại TP.HCM vẫn là con số khổng lồ, để tiêu thụ được lượng hàng thứ cấp vẫn là thách thức không nhỏ của nhà đầu tư căn hộ.
Theo giới chuyên môn, trước những lời đồn thổi kiếm lời nhanh, nhiều nhà đầu tư cũng lao vào lướt sóng căn hộ khi chưa xem xét bài toán tài chính của bản thân là sai lầm lớn. Ham kiếm tiền nhanh, nhà đầu tư dễ rơi vào bẫy tài chính, phải cầm cố vay mượn hay chấp nhận lỗ vốn. Hiện nay dù căn hộ có tính thanh khoản tốt nhưng giá bán quá cao cũng gây khó cho giao dịch chuyển nhượng thứ cấp. Chưa kể căn hộ vẫn phải cạnh tranh với nhà phố, đất nền, những phân khúc vốn được ưa chuộng từ trước tới nay.
Việc lựa chọn dự án bất động sản đầu tư cũng là yếu tố quan trọng. Đã có nhiều trường hợp nhà đầu tư chọn mua căn hộ vượt quá khả năng tài chính. Nhiều nhà đầu tư thì lạc quan thái quá, nghĩ mua nhanh bán nhanh và thu được một khoản lợi nhuận lớn nếu căn hộ có vị trí đẹp, dự án có tiện ích tích hợp đa dạng, chủ đầu tư uy tín... Tuy nhiên, sau khi dồn hết số vốn vào việc mua căn hộ, nhiều nhà đầu tư chờ đợi hơn 6 tháng cho tới 1 năm vẫn chưa bán được nhà. Khi phải thanh toán tiền mua đợt tiếp theo, nếu không còn khả năng tài chính để chi trả nữa, họ sẽ buộc phải thanh lý hợp đồng, kèm theo một khoản phí phạt từ 10-20% tổng số tiền đã thanh toán đợt trước. Một số khác không thể thanh toán phải bán lỗ hay hủy hợp đồng.
Cũng có không ít trường hợp nhà đầu tư mua dự án thiếu giấy phép hoặc có nhiều sai sót trong xây dựng nhưng chủ thầu cố tình lấp liếm thông tin. Đến khi các nhà đầu tư đã ký hợp đồng mua bán thì khó sang nhượng lại, nguy cơ bị chôn vốn hoặc mất trắng là rất cao. Ngoài ra, nếu thị trường bất động sản đóng băng trong thời gian dài, nhà đầu tư sẽ điêu đứng vì không bán được nhà.
Phương Uyên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet