Tp.HCM: Phải tháo gỡ vướng mắc để thực hiện dự án nhà ở
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, sau 10 tháng thực hiện Nghị định 71/CP của Chính phủ (thay thế Nghị định 90/CP về hướng dẫn Luật Nhà ở) và Thông tư 16 của Bộ Xây dựng (hướng dẫn chi tiết Nghị định 71/CP), nhiều quy định liên quan đến thủ tục nhà ở, đầu tư dự án vẫn chưa thực hiện hết vì chưa được hướng dẫn.
Bên cạnh đó, một số quy định tại Nghị định 71/CP chưa hợp lý gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Đó là các nội dung được đưa ra mổ xẻ tại Hội nghị kiểm điểm quá trình thực hiện Nghị định 71/CP và Thông tư 16 do Sở Xây dựng Tp.HCM tổ chức ngày 3/6.
Quy trình ngược, gây khó khăn
Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Tấn Bền cho biết, thủ tục đầu tư theo Nghị định 90/CP trước đây hợp lý hơn, đó là sau khi chấp thuận đầu tư, doanh nghiệp (DN) mới lập quy hoạch, sau đó mới bắt đầu thực hiện việc giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, Nghị định 71/CP và Thông tư 16 quy định DN phải thực hiện việc giải phóng mặt bằng trước, sau đó phải lập quy hoạch rồi mới được chấp thuận đầu tư. Quy trình này sẽ gây nhiều khó khăn cho DN.Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng để làm chủ đầu tư, DN phải có 100% quỹ đất sạch. Tuy nhiên nếu bỏ tiền ra đền bù để có quỹ đất sạch, lập quy hoạch xong mà TP hoặc quận không duyệt chủ trương đầu tư hoặc các chỉ tiêu quy hoạch không phù hợp để kinh doanh, DN sẽ thua lỗ. Đó là chưa kể theo Nghị định 71/CP, các dự án lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu. Nếu DN đã đền bù đến 80% dự án vẫn chưa được làm chủ đầu tư mà phải thực hiện đấu thầu thì gây thiệt thòi cho DN.
Sở Xây dựng TP cũng cho biết, thực tế hiện nay có nhiều dự án trên địa bàn TP DN đã đền bù đến 80% nhưng Nghị định 71/CP chưa quy định việc thực hiện chuyển tiếp các dự án này như thế nào nên việc lựa chọn chủ đầu tư của các dự án phải thực hiện lại từ đầu gây bức xúc cho DN, dự án kéo dài, cơ quan Nhà nước mất thời gian điều chỉnh thủ tục…
Sở Xây dựng cho rằng với quy định trên sẽ rất khó thuyết phục các chủ đầu tư nhường lại cho người khác khi đã thực hiện đền bù đến 80%.
Trích 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội, không khả thi?
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Nghị định 71/CP bắt buộc dự án từ 10ha trở lên phải trích 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, trong khi đó theo Luật Nhà ở, nhà ở xã hội phải là chung cư, như vậy các dự án biệt thự cao cấp phải dành 20% diện tích đất để xây dựng chung cư làm nhà ở xã hội sẽ rất khó coi.Ông Toàn cho biết, Công ty Vincom đang xây dựng một dự án “xanh” tại quận 9, nhằm đảm bảo mỹ quan của dự án, hiện công ty này đang xin hoán đổi 20% quỹ đất trong dự án này với một khu đất khác để nộp cho TP làm nhà ở xã hội. Kiến nghị này hợp lý nên cần xem xét.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Tấn Bền cho biết Sở Xây dựng sẽ có văn bản kiến nghị UBND TP xem xét cho DN hoán đổi quỹ đất tương đương ở vị trí khác để TP khai thác hoặc xem xét vị trí đất, hiệu quả khai thác sau đó quy ra tiền để DN nộp vào ngân sách, sau đó lấy số tiền khai thác từ khu đất và tiền DN nộp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Cũng theo ông Toàn, Nghị định 71/CP cho phép xây dựng chung cư mini để bán sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như làm tăng dân số gấp 3 - 4 lần trong khu vực dân cư trong khi đó TP đang phải đối mặt với việc thiếu hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội. Hậu quả là Tp.HCM sẽ tiếp tục đối mặt với bài toán kẹt xe, thiếu hạ tầng…
Từ đó, ông Toàn kiến nghị cần phải khoanh vùng cho phép xây dựng chung cư mini như các vùng ven, giáp với các khu công nghiệp…
Trả lời ý kiến trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng nếu không cho xây dựng chung cư mini cũng không thể cấm người dân tìm những nơi đã có hạ tầng đầy đủ để sinh sống. Người dân xây dựng nhà 5 tầng để ở (nhà 5 tầng có thể gọi là chung cư), sau đó họ có nhu cầu bán hoặc cho con cái thì không thể không cấp giấy chứng nhận cho người ta.
“Thế nhưng không phải muốn xây dựng bao nhiêu chung cư mini thì xây, khu vực nào muốn xây dựng chung cư mini để bán cũng được mà phải được thực hiện theo quy hoạch” - ông Hà giải thích.
Với kiến nghị bỏ thủ tục phải có bản đồ quy hoạch 1/2000 trong thủ tục xin chấp thuận đầu tư vì hiện nay Tp.HCM vẫn có những khu vực chưa có quy hoạch 1/2000, ông Hà nêu rõ: Trong chiến lược phát triển nhà ở có nguyên tắc quy hoạch phải đi trước một bước vì nếu không có quy hoạch thì việc phát triển tràn lan sẽ gây hậu quả khó lường. TP cần phải đẩy nhanh tiến độ phủ kín quy hoạch 1/2000 để TP phát triển theo quy hoạch, khỏi phải trả giá do phát triển tràn lan.
Theo ông Hà, điểm quan trọng nhất trong Nghị định 71/CP là các dự án phải được đấu thầu, công khai minh bạch để lựa chọn những DN có năng lực quản lý, có kinh nghiệm, tiềm năng tài chính thực hiện. Việc chỉ định thực hiện dự án thời gian tới sẽ rất hạn hữu, trừ những dự án DN đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi. Còn lại phải thông qua đấu thầu để thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, Bộ Xây dựng đã kiến nghị bỏ quy định phải có ý kiến thiết kế cơ sở trong thủ tục xây dựng và tiến tới sẽ bỏ luôn việc xin cấp phép xây dựng đối với các dự án đã có quy hoạch 1/500. Nhiều kiến nghị của Sở Xây dựng, ông Hà cũng đã đồng tình như: hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở quốc gia để hỗ trợ các hoạt động của các quỹ nhà ở phát triển địa phương, thuận chủ trương cho phép thành lập Công ty phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP… Khi nhận được văn bản chính thức từ Sở Xây dựng TP, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Thủ tướng sửa đổi và bổ sung một số quy định để phù hợp với điều kiện thực tế. |
(Theo SGGP)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet