Sai phạm quá rõ

Theo Điều 8 Điều lệ Bảo vệ đường bộ ban hành kèm theo Nghị định 203/HĐBT ngày 21/2/1982 quy định trong phạm vi hành lang bảo vệ đường bộ: "Nghiêm cấm xây dựng nhà cửa, lều quán, kho tàng, công trình (tạm thời hoặc vĩnh cửu) hay lấy cắp đất, đá...". Thế nhưng, năm 1995 UBND xã Diễn Thịnh vẫn cho các hộ dân mượn đất làm 23 ki ốt kinh doanh trên phạm vi ATGT thuộc QL 1A đi qua địa bàn xã.

Biên bản giao mượn đất tạm thời thể hiện: Khi nào nhà nước mở rộng đường thì các hộ dân phải tự giác thu hồi lại tài sản và không được hưởng một khoản đền bù nào khác; không được cản trở giao thông; chỉ làm ki ốt kinh doanh không được làm nhà ở lâu dài cũng như các công trình phụ; không được làm mất trật tự an ninh trong khu vực; cuối văn bản nêu rõ thời gian mượn đất tạm thời không quá 5 năm (tức là đến năm 2001).

Với việc cho mượn này khiến hơn 18 năm nay, nhiều hộ dân sống sau dãy ki ốt muốn ra QL 1A phải len lỏi theo một lối đi nhỏ. Bên cạnh đó, còn gây khó khăn trong việc xây dựng lại nhà cửa, công trình phụ trợ cũng như việc tách đất cho con cái... Họ còn chịu thiệt thòi bởi đất sinh lợi, đóng thuế cao hơn so với nơi khác nhưng hầu như những hộ dân này không thể kinh doanh, buôn bán. Ngoài ra, một số ki ốt xây dựng phía trước nhà những hộ dân này tự ý xây dựng công trình phụ, nhà vệ sinh gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Về việc cho mượn đất này, ngày 5/4/2013, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu ông Tăng Văn Luyện ký Công văn 275 khẳng định: Việc UBND xã Diễn Thịnh cho một số hộ mượn đất hành lang ATGT để làm ốt kinh doanh là trái với Điều 7, Điều 8 của Điều lệ Bảo vệ đường bộ ban hành kèm theo Nghị định 203 ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng. Đáng nói là, tuy mượn đất và cam kết không được nhận đền bù khi bị thu hồi nhưng đến nay các hộ dân lấy lý do “đã được chính quyền nhất trí, thu tiền và có hợp đồng nên nếu giải tỏa thì phải có sự đền bù thỏa đáng”.  

Đồng thời, những ki ốt chưa được giải tỏa đền bù này vẫn cố tình cơi nới, cải tạo thêm để tiếp tục kinh doanh trên hành lang ATGT. Điều này đã gây ra một số mâu thuẫn giữa các hộ dân cận kề với chủ các ki ốt. Ông Cao Hiếu - Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu cho biết: "Những sai phạm này là hậu quả để lại từ trước. Việc làm này là trái quy định, nếu huyện kiên quyết và phối hợp thì chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm…".


Dãy ki ốt án ngữ trước nhà dân

"Khập khiễng" trong cách hiểu và xử lý

Khẳng định cho mượn đất xây ki ốt kinh doanh trên hành lang ATGT là vi phạm. Tuy nhiên, ông Tăng Văn Luyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu lại thừa nhận sự tồn tại các ki ốt và họ có "quyền" kinh doanh trên hành lang ATGT bởi UBND huyện chưa có kinh phí hỗ trợ di dời.

Thậm chí, ông Luyện còn đưa ra ý kiến "hoà cả làng" khi so bì với các địa phương khác về vi phạm hành lang ATGT diễn ra trên cả nước chứ không riêng gì Diễn Châu?. "Quyền" của những người dân kinh doanh trong hành lang ATGT được “tạo điều kiện” khi UBND huyện Diễn Châu đồng ý cho phép các hộ mượn đất làm ki ốt được cải tạo, sửa chữa khi chưa được hỗ trợ đền bù. "Trong Thành phố Vinh vẫn kinh doanh trên hành lang ATGT đó thôi", ông Luyện ví dụ.

Trao đổi với chúng tôi về căn cứ để UBND huyện đền bù hỗ trợ việc mượn đất trái luật, ông Luyện cho biết: "Chúng tôi căn cứ chính sách của UBND tỉnh và theo "tiền lệ"?.  Chính sách mà ông Luyện đưa ra và chỉ cho PV xem là Quyết định 04/2010/QĐ-UBND ngày 19/1/2010 của UBND tỉnh Nghệ An. Căn cứ để áp dụng hỗ trợ di dời được quy định tại Khoản 4, Điều 18 về xử lý các trường hợp bồi thường, hỗ trợ cụ thể về nhà ở, công trình, như sau: "Trường hợp khác do UBND cấp huyện đề nghị, UBND tỉnh quyết định".

Đối nghịch với cách hiểu và cách xử lý của ông Phó Chủ tịch Luyện, Khu Quản lý đường bộ IV thuộc Bộ GTVT  khẳng định: Theo quy định Luật Đất đai, Luật Giao thông Đường bộ và các quy định liên quan thì việc xây dựng công trình trên hành lang ATGT phải tự tháo dỡ; nếu không thì phải cưỡng chế chứ không được nhận bất kỳ khoản kinh phí nào...     

Đáng nói hơn, về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Huỳnh Thanh Điền – tại văn bản 3728 ngày 6/6/2013 chỉ rõ: Nếu công trình xây dựng trái phép trên hành lang ATGT thì không đền bù cho các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi ông Luyện vẫn giữ nguyên quan điểm "chưa có kinh phí hỗ trợ di dời".

Vi phạm điều cấm được hiểu là "trường hợp khác", áp dụng đền bù hỗ trợ kiểu "tiền lệ" của Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu khiến vụ việc chưa biết đến khi nào mới có hồi kết. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Nghệ An sớm chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh khiếu kiện kéo dài và hạn chế những sai phạm tiếp theo có thể xảy ra.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME