Hà Nội: Công trình xây dựng khu vực nội đô lịch sử cao tối đa 39 tầng
Sáng nay (27/5), Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tổ chức hội nghị công bố Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP. Hà Nội.
Hội nghị công bố Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình
cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP. Hà Nội
Quy chế này được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881ha, nằm trên địa giới hành chính của 5 quận: Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, một phần phía Nam của quận Tây Hồ và một phần phía Bắc Hai Bà Trưng.
Khu vực nội đô lịch sử có phía Đông Bắc giáp các đường Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Nghi Tàm, Yên Phụ, Âu Cơ (đường đê sông Hồng đoạn từ nút giao cầu Vĩnh Tuy đến nút giao cầu Nhật Tân); phía Tây và Tây Nam giáp các đường: Bưởi, Láng, Đường vành đai 2 (đoạn Hoàng Quốc Việt đến nút giao cầu Nhật Tân); phía Nam giáp với các đường: Đại La, Trường Chinh, Minh Khai.
Khi nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng trong khu vực này, phải đáp ứng các quy định về kiểm soát chức năng xây dựng công trình, quản lý không gian, kiểm soát dân số, kiến trúc cảnh quan đô thị trên cơ sở các quy hoạch phân khu đô thị, thiết kế đô thị, quy hoạch chi tiết, các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị khu vực do cấp có thẩm quyền ban hành, các tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành, các quy chuẩn xây dựng và các quy định trong các văn bản quản lý khác có liên quan.
Khu đất xây dựng công trình cao tầng phải đảm bảo có diện tích, kích thước đất đáp ứng đủ khoảng lùi tối thiểu theo quy chuẩn hiện hành; phải có khả năng tiếp cận về giao thông và đáp ứng đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Các khu vực thực hiện dự án phải có nghiên cứu về kiến trúc cảnh quan, tổ chức không gian của đoạn tuyến phố đảm bảo việc khớp nối với khu vực làm cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền xem xét và quyết định…
Trong khu vực nội đô lịch sử, các công trình xây dựng có tầng cao tối đa không vượt quá 39 tầng, chiều cao tối đa các công trình xây dựng không vượt quá 140m.
Khu vực nội đô lịch sử được chia thành 7 khu vực để kiểm soát và quản lý tầng cao, chiều cao xây dựng công trình, bao gồm: Khu Trung tâm chính trị Ba Đình; Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; khu phố cổ; khu phố cũ; khu vực Hồ Gươm và phụ cận; khu vực Hồ Tây và phụ cận; khu vực hạn chế phát triển.
Điểm đáng lưu ý là Quy chế xác định chiều cao tối đa các công trình cao tầng ở các khu vực, vị trí khá chi tiết. Nhiều tuyến phố trong khu vực phố cổ không được phép xây dựng nhà cao tầng như: Phan Đình Phùng, Hàng Đậu, một số đoạn trên đường Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám, Pháo Đài Láng, Lò Đúc,...
Những tuyến phố khu vực khác hoặc nút giao thông được phép xây dựng các tòa cao ốc dao động từ 13 tầng đến 27 tầng. Có một số điểm hạn chế chiều cao như đầu đường Lê Duẩn tối đa 9 tầng, phố Thái Hà, Hào Nam, Chùa Bộc tối đa 13 tầng.
Một số điểm nhấn được phép xây dựng chiều cao dao động từ 65 đến 180m (tương đương 18 đến 50 tầng). Đặc biệt, trong khu nội đô lịch sử chỉ có duy nhất 2 vị trí được xây dựng quá 39 tầng đó là Khu vực ô đất 29 Liễu Giai cao tối đa 45 tầng (tương đương 162m) và Khu vực triển lãm Giảng Võ cao tối đa 50 tầng (tương đương 180m). Cả 2 lô đất này hiện đều thuộc sở hữu của Tập đoàn Vingroup.
Các công trình cao tầng điểm nhấn sẽ được cụ thể hóa tại quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị được duyệt. Song, Quy chế cũng nêu rõ rằng, công trình điểm nhấn phải có hình thức kiến trúc mới lạ, độc đáo và được Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố thông qua.
Bên cạnh đó, quy chế cũng quy định rõ chức năng, trách nhiệm của các sở, ngành của thành phố trong việc quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. Từ ngày 14/4/2016, quy chế này chính thức có hiệu lực.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet