Dự thảo quy định về bảo vệ môi trường của công trình xây dựng
Bộ Xây dựng vừa lấy ý kiến Dự thảo Thông tư về vấn đề bảo vệ môi trường trong ngành Xây dựng. Theo Dự thảo, các công trình khi thi công cần đảm bảo không phát tán tiếng ồn, độ rung, bụi; các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng khi đi vào nội thành hoặc ra khỏi công trường phải được rửa sạch...
Dự thảo đặc biệt quy định về việc đánh giá bảo vệ môi trường, tác động môi trường khi thi công các công trình xây dựng.
Theo Dự thảo, để đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường, khi thi công các công trình xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các bên liên quan phải thực hiện các yêu cầu sau.
Yêu cầu hàng đầu là phải có hàng rào xung quanh khu vực công trình thi công. Hàng rào phải đảm bảo mỹ quan đô thị, có kết cấu chắc chắn, bền vững trong suốt quá trình thi công và phải được sửa chữa, phục hồi kịp thời nếu xảy ra hư hỏng. Đồng thời, phải có biện pháp để bảo đảm không phát tán tiếng ồn, độ rung, bụi, ánh sáng vượt quy chuẩn cho phép.
Một công trình được che chắn cẩn thận khi thi công. Ảnh: TG. |
Dự thảo cũng yêu cầu phải bố trí cầu rửa xe ở những vị trí có xe, phương tiện thi công ra vào công trường trong quá trình thi công. Khi đi vào nội thành hoặc ra khỏi công trường, các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu, phương tiện thi công phải được rửa sạch sẽ để không gây bụi, bẩn đường phố và đảm bảo mỹ quan. Ngoài ra, trước khi thải vào hệ thống thoát nước, ao, hồ của khu vực, cần có biện pháp thu gom, xử lý nước thải cầu rửa xe đáp ứng yêu cầu.
Xe vận chuyển phế thải xây dựng, chất thải sinh hoạt, bùn, đất hay vật tư, vật liệu rời phải được che chắn cẩn thận, có thùng xe kín khít, đảm bảo không để chảy nước, bụi bay, rơi vãi khi vận chuyển; hoặc vận chuyển bằng xe chuyên dùng và không được vận chuyển quá tải trọng quy định.
Phế thải xây dựng không được đổ rơi tự do từ trên cao xuống. Khi vận chuyển từ trên cao xuống, phế thải xây dựng phải được đựng trong thùng, đóng vào bao hoặc vận chuyển trong đường ống bọc kín.
Sau mỗi lần trung chuyển phế thải xây dựng, vật liệu xây dựng, phải dọn dẹp ngay vật liệu xây dựng rơi vãi (nếu có) để trả lại lối đi, hè, đường phố sạch sẽ cho khu vực.
Thời gian qua, trước tình trạng người dân rất bức xúc khi các xe vận chuyển vật liệu xây dựng làm rơi vãi, gây bẩn đường đi rồi để mặc hậu quả cho người khác gánh chịu, Dự thảo đã đặt ra những nội dung này.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định công trường phải có hệ thống thoát nước, đấu nối hợp lý để đảm bảo tiêu nước triệt để, tránh gây ngập úng khi thi công. Trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung của khu vực, nước thải thi công phải được thu về hố ga, lắng đọng bùn đất, phế thải và các hố ga phải có kích thước phù hợp với lưu lượng nước thải.
Không thải vật liệu, phế thải xây dựng, hóa chất, dung dịch khoan... vào kênh mương, hồ ao và hệ thống thoát nước chung của khu vực. Thường xuyên nạo vét, thu gom bùn rác và vận chuyển đến đúng nơi quy định.
Dự thảo cũng quy định trong quá trình thi công, việc khoan giếng, khai thác nước ngầm phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền và phải tuân thủ theo các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng nước ngầm. Và phải trám lấp lỗ khoan theo đúng quy định sau khi thi công xong hoặc không sử dụng đến.
Thuê nhà vệ sinh lưu động của đơn vị có chức năng hoặc bố trí đủ nhà vệ sinh tạm (loại tự hoại hoặc bán tự hoại) trên công trường để phục vụ trong suốt quá trình thi công.
Khi thi công, nếu công trình có sử dụng các hóa chất độc hại thì phải có biện pháp thi công, biện pháp lưu giữ, biện pháp thu gom, xử lý và vận chuyển theo quy định.
Trách nhiệm của chủ đầu tư Dự thảo cũng đặt ra trách nhiệm của chủ đầu tư. Theo đó, với các dự án phải lập Báo cáo ĐTM hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường, trước khi thi công, chủ đầu tư dự án phải lập và trình cơ quan có thẩm quyền báo cáo ĐTM hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường thẩm định, phê duyệt. Trước khi thi công công trình, trên cơ sở chương trình quản lý môi trường đã đề xuất trong Báo cáo ĐTM hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường, chủ đầu tư phải lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường. Dự thảo cũng yêu cầu chủ đầu tư phải kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường của các nhà thầu thi công. Nếu phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, làm phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, chủ đầu tư có trách nhiệm đình chỉ thi công. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu khắc phục trước khi cho phép tiếp tục thi công. Phối hợp với nhà thầu thi công xử lý, khắc phục hậu quả; kịp thời báo cáo và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm, những sự cố môi trường nghiêm trọng và các vấn đề phát sinh... |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet