Theo Nghị quyết, thủ đô Hà Nội sẽ rộng gấp 3,6 diện tích hiện nay, bao gồm: thành phố Hà Nội hiện tại, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Tổng diện tích của thủ đô mới hơn 3.300 km2.

Thủ đô trong tương lai sẽ rộng gấp 3,6 lần hiện nay. Ảnh: Hoàng Hà

Trước đó, trong 45 phút giải trình trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tập trung vào 3 vấn đề chính: quá trình chuẩn bị phương án mở rộng địa giới thủ đô; tại sao lựa chọn phương án 1; lộ trình, điều kiện thực hiện việc mở rộng.

Thủ tướng khẳng định, từ khi có nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh thủ đô năm 2000, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành cùng UBND Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh và bổ sung quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Qua quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã chỉ ra không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện hữu của Hà Nội không thể đáp ứng được tốc độ đô thị hóa. Sức hút đầu tư ngày càng lớn và sự gia tăng dân số làm cho mật độ dân số thường trú và dân số vãng lai khoảng 5.000 người một km2 và nếu tính riêng khu vực nội đô là 11.600 người một km 2.

"Việc mở rộng địa giới hành chính vừa bảo đảm không gian cho Hà Nội phát triển bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như trong tương lai lâu dài, vừa tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm đa chức năng là yêu cầu cấp thiết hiện nay", ông Dũng khẳng định.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính để mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội chỉ phải trình ra lấy ý kiến của HĐND các cấp có liên quan. Hơn nữa, đây là công việc liên quan đến nhiều lĩnh vực nhạy cảm nên không thể đưa ra tham khảo ý kiến công khai rộng rãi khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Thủ tướng cho biết, có 5 phương án mở rộng địa giới hành chính Hà Nội đã được nghiên cứu đề xuất, bao quát mọi khả năng. Chính phủ đã lựa chọn 3 phương án có số điểm cao hơn báo cáo Bộ Chính trị. Tại Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương đã thảo luận, ra nghị quyết kết luận đồng ý chủ trương mở rộng theo phương án 1.

Với phương án 1, Hà Nội có một không gian đủ lớn, đủ quỹ đất thuận lợi để xây dựng thủ đô với một không gian đô thị hiện đại bên cạnh một đô thị lịch sử, cổ kính có điều kiện thuận lợi để xây dựng thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh và không làm xáo trộn nhiều về địa giới hành chính đối với các tỉnh khác. Hà Nội sẽ nằm trong số 17 thành phố, thủ đô lớn nhất thế giới. Một km2 sẽ 3.500-4.000 người, tương đương với Paris (Pháp), London (Anh), Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh (Trung Quốc).

"Tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra dòng sông Hồng, Hà Nội sẽ luôn giữ được thế rồng cuộn hổ ngồi tiện hướng nhìn sông dựa núi; tiếp nối được giá trị khoa học và nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là luôn gắn với môi trường sống của con người với môi trường cảnh quan thiên nhiên", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, nếu lựa chọn theo phương án 2, tuy cũng mở rộng về phía Tây, nhưng không gian mở rộng của Hà Nội sẽ không đủ điều kiện để đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu và tiêu chí phát triển của một thủ đô. Mặt khác, phần còn lại của tỉnh Hà Tây chỉ với 6 huyện thuần nông, điều kiện hạ tầng yếu kém sẽ rất khó khăn trong quá trình phát triển.

Các phương án khác (3,4,5) đều có không gian mở rộng nhỏ hơn nên càng không thể đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu và tiêu chí phát triển của thủ đô.

Chính phủ đề nghị thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết từ 1/8/2008, lùi một tháng so với tờ trình ban đầu. 

"Trong phạm vi dự kiến mở rộng Hà Nội có hơn 300 đồ án quy hoạch, dự án khu đô thị, khu du lịch và khu công nghiệp đang trình phê duyệt. Nếu việc mở rộng chậm lại thì các dự án này phải dừng lại, chờ đợi tiếp, hoặc nếu cho phép tiếp tục triển khai thì có thể sẽ không phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển thủ đô trong tương lai", Thủ tướng nói.

Trước băn khoăn của đại biểu về Quy hoạch Hà Nội mở rộng, Thủ tướng cho biết, theo quy định của Luật Xây dựng, Đồ án quy hoạch chung xây dựng của từng địa phương phải được lập trên địa giới hành chính đã được xác định và do chính quyền cấp đó chịu trách nhiệm tiến hành. Trên thực tế, khi chưa có địa giới cụ thể thì cũng chưa thể lập được quy hoạch xây dựng.

Thủ tướng cũng khẳng định, kinh phí cho việc hợp nhất các cơ quan của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây sẽ không phát sinh nhiều như các trường hợp chia tách vì không phải xây dựng thêm trụ sở, mua sắm ô tô, tài sản mới. Khoản chi thường xuyên cũng không phải bổ sung vì đã được bố trí cho các địa phương trong kế hoạch ngân sách năm 2008.

"Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng Hà Nội tại kỳ họp này sẽ có ý nghĩa lịch sử, tạo điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng và thông qua quy hoạch phát triển Hà Nội xứng tầm với đất nước ta, dân tộc ta. Chính phủ sẽ tập trung sức chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết và hàng năm báo cáo kết quả với Quốc hội", Thủ tướng chốt lại phần giải trình.

Đề án quy hoạch thủ đô Hà Nội phải xin ý kiến nhân dân

Nghị quyết nêu rõ việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan như sau:

1. Hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên 219.341 ha và dân số hiện tại 2.568.000 người của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội.

2. Chuyển toàn bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc về thành phố Hà Nội, bao gồm diện tích tự nhiên là 14.164 ha và dân số hiện tại 187.255 người.

3. Chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của 4 xã thuộc Lương Sơn, Hoà Bình về Hà Nội, gồm: 1.720 ha và dân số 4.495 người của xã Đông Xuân, 3.457 ha và dân số 6.606 người của xã Tiến Xuân, 2.073 ha và dân số hiện tại là 5.875 người của xã Yên Bình, 1.532 ha và dân số 3.278 người của xã Yên Trung.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Hà Nội rộng 334.470 ha và dân số hiện tại là 6.232.940 người. Hà Nội phía Bắc giáp Thái Nguyên và Vĩnh Phúc; phía Nam giáp Hà Nam và Hòa Bình; phía Đông giáp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên; phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ.

Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết này, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm; sắp xếp tinh gọn, hợp lý bộ máy hành chính, tổ chức các cơ quan điều tra và đội ngũ cán bộ công chức bảo đảm dân chủ, đoàn kết; chỉ đạo xây dựng đề án quy hoạch thủ đô Hà Nội, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, các cấp, của nhân dân và báo cáo Quốc hội.

Hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về quá trình và kết quả thực hiện Nghị quyết này.

Theo VnExpress

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME