Cảnh báo tín dụng BĐS tăng 70% so với năm 2012
Năm nay, hàng loạt ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho những dự án bất động sản (BĐS), đẩy tín dụng ngành này đã tăng đến gần 11% làm nhiều người lo ngại, liệu “bơm” vốn ồ ạt cho những dự án rất lớn có tạo "cơn sốt ảo" hay nguy cơ “bong bóng” quay trở lại?
Trong 8 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã cải thiện đáng kể với dư nợ tăng hơn 10%, trong đó có một phần đáng kể vào thị trường địa ốc.
Bên cạnh các gói kích cầu phân khúc nhà ở dành cho người có thu nhập ổn định, ngân hàng cũng đẩy mạnh vốn vào phân khúc nhà ở này, chính sách tín dụng mở rộng từng bước đối với hoạt động cho vay nhà đất khi giảm hệ số rủi ro với những khoản khó đòi trong lĩnh vực này từ 250% xuống còn 150%, đồng thời tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài - trung hạn từ 30% lên 60%.
Trên thực tế, các ngân hàng cho biết, hoạt động tín dụng cải thiện những tháng đầu năm 1 phần nhờ vào thị trường địa ốc “ấm” lên. Trong đó, phân khúc khách hàng cá nhân là chủ yếu với nhu cầu nhà ở thật sự đã mạnh dạn vay vốn để mua nhà khi lãi suất giảm xuống mức thích hợp.
Theo một phó tổng giám đốc của Sacombank, tín dụng của ngân hàng này tăng tương đối trong 8 tháng đầu năm chủ yếu là do cho vay mua nhà. Sacombank cũng không đặt mục tiêu đẩy mạnh dòng vốn cho chủ đầu tư vay kinh doanh địa ốc mà tập trung cho khách hàng là cá nhân vay vốn mua nhà.
Nhưng có một vấn đề là các khoản nợ xấu của ngân hàng nan giải nhất vẫn là nợ xấu nhà đất, khi các tài sản bảo đảm đó không có tính linh động cao. Do đó, theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đẩy mạnh vốn cho vay BĐS đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải kiểm soát được rủi ro. Hiện nay, tín dụng BĐS đã tăng khoảng 70%, nếu so với mức đáy vào đầu năm 2012, từ 197.000 tỷ đồng lên đến mức 333.000 tỷ đồng.
Tín dụng BĐS đã tăng khoảng 70% nếu so với mức đáy vào đầu năm 2012 |
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng từng lưu ý ngành ngân hàng về nguy cơ “bong bóng” BĐS. Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu các ngân hàng cần phải theo dõi sát và kiểm soát tốt nguồn vốn đầu tư để tránh tình trạng “bong bóng” đổ vỡ, phát triển không lành mạnh của thị trường BĐS như đã từng diễn ra trước đây.
Còn nhớ, tín dụng giai đoạn từ năm 2010 trở về trước tăng mạnh theo sự thăng hoa của thị trường chứng khoán, BĐS. Tiêu biểu là năm 2009, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đã đạt 37,7%, tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất (chứng khoán, BĐS) tăng gần 42%, chiếm 19% tỷ trọng trong cơ cấu dư nợ của toàn hệ thống. Tới năm 2010, tín dụng đã tăng trưởng 27,6%, dư nợ cho vay riêng BĐS cũng tăng trưởng tới 23,5%...
TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh, trong giai đoạn 2012-2013, với mục đích kiểm tra hoạt động của những doanh nghiệp để có biện pháp giải quyết khó khăn cho họ, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp vay vốn đầu tư vào BĐS, mặc dù khi vay thì không có mục đích đầu tư vào lĩnh vực này. Nợ xấu ngân hàng phần lớn tập trung vào BĐS nên nếu hình thành "bong bóng" thì nguy cơ nợ xấu tăng lên sẽ rất lớn.
Do đó, những dự án nhà ở hình hành trong tương lai muốn bán được nhà đòi hỏi cần phải có sự bảo lãnh của các ngân hàng theo Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/7/2015. Việc đòi hỏi những dự án có ngân hàng bảo lãnh cũng đồng nghĩa với việc sàng lọc và lành mạnh hóa doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS và những dự án đưa ra thị trường.
Theo ông Lịch, chính việc bảo lãnh dự án của các ngân hàng khiến cho cho thị trường minh bạch, lành mạnh hơn. Bởi vì chính quyền lợi của mình, các ngân hàng sẽ sàng lọc kỹ, không thể bảo lãnh cho các dự án mà chủ đầu tư đã mang dự án đó thế chấp ở ngân hàng khác.
Tương tự, chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc các ngân hàng đẩy mạnh cho cá nhân vay mua nhà ở lãi suất hợp lý sẽ tốt cho thị trường BĐS, đặc biệt là với phân khúc mua nhà ở. Hiện nay, giá BĐS và lãi suất ở mức chấp nhận được chính là cơ hội tốt cho không chỉ ngân hàng đẩy mạnh vốn cho cá nhân, mà ngay cả người có nhu cầu vay mua nhà ở. Nhưng "bong bóng" tín dụng đối với phân khúc cho vay mua nhà ở vẫn có thể diễn ra trong tương lai nếu ngân hàng quá ồ ạt đẩy dòng vốn như đã xảy ra ở Mỹ vào các năm đầu tiên của thập niên 90 và ở nước ta vào thời kỳ 2005-2010.
Nhằm đối phó với nguy cơ đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, cơ quan này đang có các biện pháp kiểm soát nguồn vốn để dòng tiền “chảy” vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh bởi gần đây có hiện tượng vốn đang "chảy” mạnh vào BĐS. Theo dố liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính tới thời điểm 25/6/2015, tín dụng BĐS đã tăng 10,89% (chiếm tỷ trọng 8,3% dư nợ), so với cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng so với 7,9%. Diễn biến đó cho thấy, mặc dù vẫn cần thận trọng tính đến mọi trường hợp nhưng nguy cơ vốn tín dụng ồ ạt chảy vào BĐS gây ra "bong bóng" trong ngắn hạn là tương đối thấp.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet