Cần quản lý chặt việc "cắt xén" quy hoạch đô thị
Theo các chuyên gia, dù quy định đã được đưa ra nhưng do chưa đảm bảo chặt chẽ trong công tác quản lý nên dẫn đến tình trạng quy hoạch một đằng, thực hiện một nẻo.
Một tình trạng xảy ra tại nhiều khu đô thị hiện nay là các nhà đầu tư không quan tâm đến hạ tầng xung quanh mà chỉ chú trọng đến việc xây nhà để bán.
Nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), ông Đỗ Viết Chiến cho biết, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị nhằm khắc phục tình trạng các đô thị xây dựng không theo quy hoạch
Theo Nghị định này, các khu đô thị mới phát triển phải thông qua chương trình phát triển đô thị. Quy định này đã giúp khắc phục việc đầu tư dàn hàng ngang, nhà đầu tư xin đâu cho đó.
Nhiều khu đô thị không chú ý đến hạ tầng mà chỉ lo bán đất. Ảnh minh họa
Cũng theo quy định tại Nghị định 11, việc phát triển các khu đô thị mới phải căn cứ vào nhu cầu thực tế. Sau khi Nghị định được đưa vào thực hiện 2 năm và các địa phương tiến hành rà soát lại, tình trạng đầu tư dàn trải đã được "phanh hãm". Nghị định cũng buộc quy định xác định khu vực phát triển đô thị và chỉ có trong khu vực này mới được phát triển các dự án, không đánh đồng các dự án với nhau.
Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Hải Phát Land, ông Đỗ Cơ Thạch cho rằng, phần lớn các chủ đầu tư đang tập trung phân lô bán nền trong khi theo quy định, khu đô thị phải có đủ hạ tầng đi kèm như điện, đường, trường, trạm.
Tình trạng tiến độ dự án và tiến độ pháp lý không đồng hành đã khiến nhiều chủ đầu tư không giữ lời hứa với khách hàng còn khách hàng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Ông Thạch bộc bạch: “Hiện tại, các khu đô thị cần phải điều chỉnh, vì vậy cần nhiều thời gian, điều đó lại ảnh hưởng đến dòng tiền của nhà đầu tư. Nếu xây dựng pháp lý trong 15 năm thì chúng tôi cũng hết một đời rồi, vì vậy rất khó khăn. Ngay cả các đơn vị phân phối cũng rất ngại hợp tác”.
GS. Đặng Hùng Võ cho biết, hai xu hướng tất yếu để các khu đô thị phát triển theo đúng quy hoạch là xanh và thông minh, bởi người dân sẽ không vào ở nếu không có những yếu tố này. Tuy nhiên, vốn đầu tư đô thị xanh và thông minh phải cao hơn như cần chi phí để tạo hồ nước, cây xanh, tự động hóa, mạng lưới điện tử... Ông Võ bày tỏ băn khoăn: “Câu hỏi đặt ra là liệu các chủ đầu tư có chấp nhận bây giờ bỏ ra nhiều hơn nhưng thu về trong tương lai nhiều hơn?”.
Bên cạnh đó, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng còn phải có các khu đô thị đặc thù, như ý tưởng về khu đô thị thể thao hiện nay.
Trên thực tế, nhiều khu đô thị xây sau nhưng vẫn không đáp ứng tiêu chí của một đô thị xanh và thông minh dù đã được điều chỉnh quy hoạch.
Tại những vùng ven như Hoài Đức, Mê Linh..., nhiều khu đô thị còn bị bỏ hoang. Dù có được hoàn thiện thì những đô thị này cũng không đáp ứng những tiêu chí theo Nghị định 11.
Dù đã có Nghị định nhưng chế tài xử phạt những chủ đầu tư không thực hiện vẫn chưa có. Dù “bức tử” đô thị hay bỏ quên nhà ở xã hội, trường học, nhiều chủ đầu tư vẫn “vô tư” phân lô bán nhà, bán nền.
Nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) kiến nghị: “Việt Nam mới đang chập chững ở những bước đầu tiên, mô hình thì có thể học tập ở những nước đã phát triển. Tuy nhiên, Nhà nước cần đưa ra khung pháp lý cụ thể để từ đó các doanh nghiệp có thể phát triển theo. Việc tạo ra sân chơi và luật chơi chính là vai trò của Nhà nước”.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet