BĐS mặt bằng bán lẻ toàn cầu đang tăng trưởng khá
Theo Báo cáo về thị trường mặt bằng bán lẻ mới Toàn cầu của Cushman & Wakefield, xu hướng toàn cầu vẫn duy trì ở mức tích cực ở mảng phát triển trung tâm mua sắm. Trong báo cáo có nhắc đến Việt Nam như một thị trường bán lẻ sẽ có những tăng trưởng lớn trong thời gian tới.
Mặc dù các nền kinh tế mới nổi đã giảm tốc và không tương xứng với cường độ của năm 2012 và 2013, giới chuyên môn lại dự kiến nguồn cung đáng kể sẽ đến từ các thị trường mới nổi như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc từ nay đến 2016.
Điềm lành báo trước cho ngành BĐS là việc gia tăng đáng kể những cá nhân sở hữu tài sản giá trị ròng cực cao trên toàn thế giới và nền tảng kinh tế toàn cầu được cải thiện giúp nâng cao niềm tin người tiêu dùng. GDP toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 3,4%, mức cao nhất kể từ 2011. Chi tiêu hộ gia đình sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu GDP, dẫn đầu là mức chi dùng tại Mỹ, khu vực đồng euro và Trung Quốc.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng những năm gần đây đã giảm nhưng Trung Quốc vẫn được kỳ vọng có mức tăng chi tiêu tiêu dùng cao nhất toàn cầu là 4,5% trong năm 2014 và đạt 5,1% vào năm 2015.
Ông Matt Winn, giám đốc điều hành mặt bằng bán lẻ toàn cầu của Cushman & Wakefield cho biết: “Phát triển BĐS bán lẻ thường được xem là phong vũ biểu khi nền kinh tế toàn cầu chuyển đổi từ trạng thái phục hồi sang tăng trưởng. Trong khi nhiều nền kinh tế Nam Mỹ đang chững lại; Brazil, Colombia, Peru và Chile sẽ tăng trưởng hạng mục này trong vài năm tới. Thậm chí tại Mỹ, nơi có tỷ lệ không gian mua sắm bình quân đầu người cao hơn bất kỳ đâu trên thế giới, vẫn có những dự án trên 100.000m2 đang được triển khai".
Trong năm 2012 và 2013, hơn 1.650 trung tâm mua sắm mới được chuyển giao tại các quốc gia và thị trường được khảo sát. Số BĐS này tương đương 63,9 triệu m2 tổng diện tích mặt bằng cho thuê, chiếm 7% tổng lượng hàng tồn kho. Mỹ, Nga, Brazil, Mehico, Ấn Độ và Trung Quốc đóng vai trò chính yếu về không gian bổ sung mới. Khu vực Châu Mỹ chiếm hơn 1.000 trong tổng số các trung tâm mua sắm được chuyển giao.
Diện tích mặt bằng bán lẻ toàn cầu dự kiến sẽ đạt 38,3 triệu m2 trong năm 2014, với số lượng 1.134 trung tâm mới sẽ được hoàn thiện vào cuối năm. Châu Á dẫn đầu về tổng diện tích, khoảng 22 triệu m2 trong năm 2014. Trong ba năm tới, Châu Á sẽ cung cấp hơn 53,3 triệu m2 diện tích sàn, gần gấp năm lần tổng số của đối thủ cạnh tranh “sát sườn” là Mỹ.
Ông James Hawkey, Quản lý Dịch vụ bán lẻ khu vực Châu Á-TBD cho biết: “Châu Á tiếp tục là thị trường tiềm năng cho các nhà bán lẻ ở cả thị trường phát triển như Nhật Bản và Australia cũng như những thị trường mới nổi lớn nhất thế giới. Tại Trung Quốc, nguồn cung mới về các trung tâm mua sắm tỏ ra đáng kể và sẽ có cách xử lý trước tình trạng thừa cung ở một số thị trường địa phương. Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam cũng sẽ có những tăng trưởng to lớn".
Đầu tư toàn cầu vào trung tâm mua sắm trong năm 2013 đã rất mạnh mẽ, còn năm 2014 cũng không kém với các giao dịch bán lẻ toàn cầu đạt tổng giá trị 37,9 tỉ USD ngay trong quý I, tương đương 42% so cùng kỳ năm trước nhờ vào đà phát triển tại Mỹ và những xu hướng gần đây tại Ấn Độ. Trong khi xu thế đầu tư lớn vào Brazil 10 năm qua đã trở nên suy yếu, Mỹ Latinh lại nổi lên một số diễn biến tích cực với các hoạt động vững mạnh ở Mehico.
Ông John Strachan, Giám đốc mặt bằng bán lẻ toàn cầu nhận định: “BĐS bán lẻ lâu năm đang phải xem xét lại format của họ để cạnh tranh với những trung tâm mới xây dựng linh hoạt hơn. Vì vậy, nâng cấp, tái phát triển và tái tạo sẽ đóng vai trò chính cho thành công của trung tâm cũ, đặc biệt là cách thức áp dụng các chiến lược thu hút người mua sắm mà thói quen của họ đang được đa dạng hóa trong thời đại truyền thông xã hội và khả năng có thể mua sắm vào bất cứ lúc nào, bất cứ đâu, trực tuyến hay tại cửa hàng hoặc thậm chí là cả hai phương thức".
Nhung T
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet