Bất chấp dịch bệnh Covid-19, giá chung cư vẫn neo ở mức cao
Đại dịch Covid-19 khiến nguồn cung và giao dịch bất động sản sụt giảm mạnh nhưng giá nhà vẫn đang neo ở mức cao. Gói chính sách hỗ trợ 3.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội của Chính phủ được coi là điểm sáng của phân khúc này trong bối cảnh ảm đạm của thị trường.
Thanh khoản sụt giảm, giá nhà vẫn cao
Thị trường bất động sản đang ở trạng thái “ngủ đông” khi các hoạt động giới thiệu sản phẩm, mở bán… đều bị hoãn hoặc hạn chế tối đa. Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết thị trường bất động sản quý 1/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Đối với các dự án nhà ở, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14,3%. Thế nhưng, dù thị trường đang “đóng băng” nhưng theo ông Đính giá bán bất động sản không hề có sự sụt giảm so với quý 4/2019. Hiện chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.
Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy những dự án chung cư mở bán đợt kế tiếp trong quý 1/2020 đều giữ nguyên giá hoặc có mức giá cao hơn từ 2-5% so với quý 4/2019. Đơn cử, ngay trên trục đường Tố Hữu, nhiều dự án vẫn đang rao bán từ 25-30 triệu đồng/m2, một số dự án khác đã tăng 1-1,5 triệu đồng/m2 so với quý trước đó. Tại Nam Từ Liêm, các dự án cao cấp trên các tuyến đường Lê Đức Thọ, Lê Quang Đạo, Châu Văn Liêm và Mễ Trì vẫn “ngất ngưởng” với mức giá từ 40-52 triệu đồng/m2. Tại quận Cầu Giấy, giá bán một dự án mới ra hàng năm ngoái trên đường Cầu Giấy vẫn trên 40 triệu đồng/m2.
Lý giải về việc giá nhà vẫn neo ở mức cao, đại diện một chủ đầu tư cho biết, từ năm 2019, thị trường đã khan hiếm nguồn cung. Sang năm 2020, tình trạng này vẫn tiếp diễn. Nhiều doanh nghiệp không có hàng để bán. Do đó, nhiều chủ đầu tư có quỹ hàng tung ra thị trường trong khoảng thời gian này đang có những lợi thế nhất định trước một nguồn cầu lớn luôn hiện hữu. Dù giá bán cao, họ vẫn kì vọng vào sức mua và không muốn giảm giá do không muốn ảnh hưởng đến doanh thu cũng như các chỉ tiêu về tài chính. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng lo sợ việc giảm giá sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng đã mua sản phẩm từ trước và ảnh hưởng đến uy tín, nhìn nhận của thị trường đối với doanh nghiệp.
Gói tín dụng mới 3.000 tỷ đồng cho chương trình nhà ở xã hội được kì vọng sẽ giúp người thu
nhập thấp sớm tiệm cận giấc mơ an cư tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Người mua “trông chờ” chính sách mới
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, anh Trần Vinh, một môi giới chuyên bán căn hộ tại Hà Nội cho biết thường xuyên nhận được câu hỏi của khách hàng về việc giá nhà đã giảm chưa hay chủ đầu tư có chính sách chiết khấu, khuyến mại, ưu đãi nếu mua nhà mùa dịch không. Người mua có nhu cầu thực cho rằng sự khó khăn của thị trường thời điểm dịch bệnh sẽ buộc các doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm để kích cầu sức mua. Tuy nhiên, anh Minh cho biết, đến thời điểm hiện tại, giá nhà vẫn chưa có dấu hiệu quay đầu.
Giá nhà tại các đô thị lớn ngày càng đắt đỏ là một thực tế không thể phủ nhận. Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, 3 năm về trước, thị trường Hà Nội vẫn còn tồn tại những căn hộ chung cư có khoảng giá 850-1 tỷ đồng nhưng 1 năm trở lại đây, khoảng giá này đã biến mất hoàn toàn trên thị trường. Để sở hữu một căn nhà giá rẻ, người mua phải xác định cần có tài chính dao động từ 1,3-1,5 tỷ/căn với vị trí rất xa trung tâm.
Nhiều môi giới cũng cho biết phần lớn người thu nhập thấp đều đang tạm hoãn ý định mua nhà và có động thái nghe ngóng, chờ đợi giá nhà sụt giảm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Họ cũng trông chờ lãi suất cho vay mua nhà giảm.
Trong khi thanh khoản của thị trường chậm chạp, nguồn cung giá rẻ khan hiếm, giá vẫn neo cao và người mua thực có tâm lý chờ đời, thị trường nhà ở bình dân đón một tín hiệu tích cực về mặt chính sách. Mới đây, Chính phủ có thêm gói tín dụng mới 3.000 tỷ đồng cho chương trình nhà ở xã hội. Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao bố trí thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.
Bộ Xây dựng cũng được Chính phủ giao nghiên cứu, điều chỉnh bất cập tại Nghị định 100/2015 theo hướng trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho người thu nhập thấp. Đây là tín hiệu tích cực, được kì vọng sẽ giúp người thu nhập thấp sớm tiệm cận giấc mơ an cư tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Hải Nguyên
>> Môi giới BĐS vẫn tích cực bán hàng dù gặp khó khăn vì Covid-19
>> Thị trường căn hộ cao cấp cho thuê giảm tốc mạnh
Xem thêm tổng hợp các tin tức mới nhất về BĐS & Covid-19 TẠI ĐÂY
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet